00:00 Số lượt truy cập: 3066310

Tỉnh thứ 4 tái phát dịch cúm gia cầm 

Được đăng : 03/11/2016
Theo ông Hoàng Văn Năm, Phó Cục trưởng Cục thú y, dịch cúm gia cầm đã lan tới hai xã thuộc hai huyện của tỉnh Kiên Giang, nâng số tỉnh tái bùng phát dịch cúm gia cầm lên 4 tỉnh.


Tiêu hủy hơn 40.000 gia cầm trong vùng dịch


Theo ông Năm, dịch cúm gia cầm đã phát ra ngày 6/1 tại ấp Vĩnh Hùng, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao làm chết 40 con vịt trên tổng đàn 1.240 con. Số gia cầm chết này, khoảng 2 tháng tuổi và đặc biệt là chưa được tiêm phòng, đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm H5N1.

Đến ngày 7/1, dịch tiếp tục phát ra tại ấp Bình Phong, xã Vĩnh Bình Nam huyện Vĩnh Thuận làm chết 30 con vịt trên tổng đàn 585 con (1,5 tháng tuổi). Mẫu xét nghiệm cũng cho kết quả dương tính với virut cúm H5N1.

Ngay sau khi phát hiện dịch, Chi cục Thú y Kiên Giang đã tiến hành tiêu huỷ 1.785 con.

Theo đại diện của Cục Thú y, hiện dịch cúm gia cầm xảy ra ở 41 xã, phường,17 huyện thuộc 4 tỉnh, là Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang và Kiên Giang. Cục Thú y cũng nhận định diễn biến dịch trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có chiều hướng phức tạp; đặc biệt tại các tỉnh đang có dịch tiếp tục lây lan.

Về công tác tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm, ông Năm cũng cho biết các địa phương đang tiếp tục triển khai.

Nóng bỏng buôn lậu gia cầm qua biên giới

Theo báo cáo của Chi cục quản lý thị trường, tình hình buôn lậu gia cầm tại các tỉnh biên giới trong thời gian gần đây diễn biến rất phức tạp. Lượng gia cầm nhập lậu đã tăng vọt. Đặc biệt tại Lạng Sơn, gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới tăng rất mạnh.

Lực lượng quản lý thị trường tại đây trong tuần qua bắt được 16 vụ buôn lậu và đã tiêu hủy 3.110 kg thịt gà, 18.200 quả trứng. Tại khu vực biên giới Tây Nam như Long An, An Giang, lực lượng quản lý thị trường đã bắt được tổng cộng 24 vụ buôn lậu và tiêu hủy 1.170 con vịt, 1.800 quả trứng và đã xông trùng cho 1.150 quả trứng vịt.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định chúng ta vẫn chưa ngăn chặn được dịch trong khi tình hình đang có xu hướng xấu đi, mà bằng chứng là các ổ dịch mới tiếp tục phát sinh.

“Nếu theo quy luật của những năm trước thì khoảng 1 tháng nữa cả vùng ĐBSCL sẽ có dịch và khoảng 1,5 tháng nữa dịch sẽ tái xuất hiện tại miền Bắc. Hiện Chính phủ đã có chỉ đạo các địa phương triển khai các biện pháp đối phó trước với tình hình này. Chính phủ cũng đã cử nhiều đoàn đi kiểm tra nhưng phải vì thế mà chúng ta chủ quan”- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng phê bình việc một số địa phương hiện vẫn chưa sẵn sàng trong việc chống dịch do chưa có kinh phí từ T.Ư để mua thuốc sát trùng hay tổ chức lực lượng đi kiểm tra tình hình.

“Đáng lẽ các địa phương phải chủ động dùng nguồn kinh phí dự phòng của mình để thực hiện rồi sau đó Chính phủ sẽ bổ sung thay vì ngồi đợi như hiện nay. Đại diện Bộ Tài chính cần chỉ đạo các Sở tài chính khẩn trương cấp vốn chống dịch, mua thuốc sát trùng cho các địa phương”- Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nói.

* Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cũng cho biết, cuối tháng 1/2007 sẽ triển khai việc tiêm phòng vaccine cho ngan.

Chủng virus vẫn chưa biến đổi tại VN

Trước diễn biễn của dịch cúm gia cầm, ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y đã có cuộc trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm.


Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y
Tại một số nước trên thế giới, virus cúm gia cầm đã có dấu hiệu biến đổi trong khi Việt Nam từ 3 năm qua vẫn tiêm một loại vaccine, vậy loại vaccine này có còn hiệu quả và Cục thú y có tính đến việc thay vaccine tiêm cho gia cầm tại Việt Nam?

Cục Thú y rất quan tâm đến sự biến đổi của virus nhưng may mắn là tại Việt Nam chủng virus vẫn chưa biến đổi nên theo tôi việc sử dụng vaccine hiện nay đang tiêm cho đàn gia cầm chưa cần điều chỉnh.

Trước đây các tỉnh đều có báo cáo là đã hoàn thành việc tiêm phòng nhưng đến nay vẫn phải xin cấp thêm. Việc này có phải là do chúng ta đã cấp thiếu vaccine hay do việc giám sát tiêm phòng của chúng ta không tốt?

Việc tiêm phòng và cung cấp vaccine được thực hiện theo kế hoạch và yêu cầu của các địa phương. Tôi đã đi kiểm tra tại một số huyện và phát hiện tại một số nơi việc thống kê, nắm số liệu gia cầm trên địa bàn thực hiện không chính xác.

Chính vì vậy mới có chuyện có tỉnh xin cấp thêm 800.000 liều vaccine (Đồng Tháp); có tỉnh yêu cầu 300.000 liều bổ sung (tỉnh Bạc Liêu). Đối với các tỉnh xin cấp thêm tới 800.000 liều thì trước mắt chúng tôi cấp cho 400.000 liều. Dù số lượng vaccine xin tiêm bổ sung là rất lớn nhưng với số vaccine còn lại chưa sử dụng đến thì chúng tôi cơ bản vẫn đáp ứng được cho các địa phương.

Năm nay việc khoanh vùng tại những nơi có dịch năm nay là 3 km, tăng hơn so với trước đây, vậy chính sách hỗ trợ đối với các địa phương có gì thay đổi?

Theo Công điện mới nhất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, do năm nay việc tổ chức tiêm phòng được thực hiện khá đầy đủ nên cách khoanh vùng, cách ly vùng dịch có khác so với các năm trước. Cụ thể nếu như dịch phát ra tại một thôn thì chỉ khoanh vùng tại một ô của thôn chứ không tiêu hủy toàn bộ gia cầm của cả thôn đấy như chúng ta vẫn làm trước đây.

Việc quy định cách ly đối với vùng có dịch cũng có sự thay đổi. Khi đó thôn ấp có dịch phải tiêu hủy ngay đàn gia cầm mắc bệnh, không chờ kết quả xét nghiệm (nhưng trước khi tiêu hủy vẫn phải lấy mẫu để xét nghiệm); tiêu độc, khử trùng toàn bộ thôn, ấp bằng cách rắc vôi bột và phun thuốc sát trùng ít nhất 2 ngày 1 lần; nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm chưa chế biến chín ra khỏi vùng kiểm soát…

Về cơ chế hỗ trợ, năm nay vẫn thực hiện theo quy định đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành áp dụng trong những năm trước. Cụ thể hỗ trợ 15.000 đồng/1 gia cầm bị tiêu hủy.