00:00 Số lượt truy cập: 2637637

Tổ thu gom tiêu thụ khoai tây: Mô hình liên kết hiệu quả 

Được đăng : 03/11/2016
Sau 7 năm hoạt động, Tổ thu gom tiêu thụ khoai tây ở thôn Nghiêm Xá, xã Việt Hùng (Quế Võ - Bắc Ninh) đã và đang trở thành “cánh tay phải" trong việc bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, giúp việc sản xuất, tiêu thụ khoai tây theo hướng chuyên nghiệp hoá. Đây cũng là mô hình liên kết rất hiệu quả.

Nông dân thành người kinh doanh

Việt Hùng vốn là “vựa” khoai tây lớn của Bắc Ninh. Trước đây, khi vào vụ thu hoạch, bà con rất lúng túng trong việc tìm đầu ra. Có gia đình vì không bán kịp đành nhìn cảnh khoai tây mọc mầm, thối rữa. Nhiều hộ phải “vượt tỉnh” mang lên Hà Nội và các vùng lân cận để bán, rất vất vả nhưng thu nhập vẫn chẳng đáng là bao. Năm 2000, một vài hộ trong xã đứng ra làm đại lý thu mua khoai tây, hình thành mạng lưới liên kết, liên doanh tổ chức thu gom, vận chuyển và tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, sản lượng thu mua, tiêu thụ hạn chế, mỗi năm chỉ có khoảng 100-200 tấn hàng được xuất đi, con số rất nhỏ so với sản lượng khoai tây của xã. Trước tình trạng này, năm 2003, Tổ thu gom tiêu thụ khoai tây được thành lập gồm 6 nông dân do anh Nguyễn Văn Hồi ở thôn Nghiêm Xá làm Tổ trưởng. Lúc đầu chỉ thu mua trong xã, sau này, khi có mối làm ăn, nhu cầu tiêu thụ lớn, tổ tìm tới các nơi khác trong huyện và nhiều địa phương trên cả nước. Từ tháng 10 đến cuối tháng 12 hàng năm là khoảng thời gian “làm ăn” bận rộn nhất của tổ. Giá cả cũng tuỳ theo thời điểm và loại khoai, dao động ở mức 3.300-3.800 đồng /kg. Khoai tây sau khi được thu mua, anh Hồi cùng với các “đại lý” khác trong tổ phân loại, sau đó bán cho các doanh nghiệp chế biến và người tiêu dùng ở Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội... Theo anh Hồi, mỗi năm tổ cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 tấn khoai tây; năm 2006 là 5.000 tấn, chiếm khoảng 60% lượng khoai tây của cả huyện Quế Võ. Riêng anh Hồi tiêu thụ khoảng 700-1.000 tấn. Mỗi tấn lãi ít nhất 25.000 đồng. “Tổ tiêu thụ khoai tây của chúng tôi tuy chưa có cơ chế hoạt động, số vốn ít nhưng lại hoạt động khá quy củ. Có một nguyên tắc chung là không thành viên nào trong tổ được tranh giành khách của nhau, cùng thu mua theo một mức giá nhất định, giới thiệu khách hàng cho nhau nếu mình không đáp ứng được yêu cầu. Vì thế từ khi ra đời tới nay, tổ hoạt động khá hiệu quả và chưa một lần xảy ra tranh chấp. Đó cũng là lý do khiến bà con rất tin tưởng giao hàng cho chúng tôi” - anh Hồi khoe. Từ con số 6 người ban đầu, đến nay tổ đã có 11 thành viên.

Anh Nguyễn Hữu Thỉnh trồng 0, 5ha khoai tây cho biết: “Từ khi có tổ thu gom tiêu thụ khoai tây, chúng tôi không còn phải lo đầu ra cho sản phẩm mà chỉ tập trung nâng cao năng suất, chất lượng”. Theo anh, mỗi vụ, gia đình cũng “bỏ túi” 25 triệu đồng từ việc bán khoai.

Mua hàng trả trước

Do nhu cầu tiêu thụ khoai tây lớn, khách hàng lại đòi hỏi đồng đều, chất lượng tốt nên tổ đã tự liên hệ với Trung tâm Nghiên cứu cây có củ (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam) mua giống khoai tây KT2 về cho bà con trồng. Theo anh Hồi, đây là loại khoai cho năng suất cao (900 – 1.000 kg/sào Bắc Bộ -360m2), trong khi chi phí đầu tư chỉ trên dưới 200.000 đồng /sào. Ngoài ra, để có một chiến lược dài hơi trong việc kinh doanh nhằm giữ chân bạn hàng khi trái vụ, tổ còn cho xây một kho bảo quản lạnh lưu trữ được khoảng 20 - 25 tấn. Đây là loại khoai dành cung cấp cho bạn hàng với giá cao hơn khi khoai đã hết vụ. Với phương châm cùng giúp nhau làm giàu, tổ còn thực hiện phương thức ứng trước tiền giống cho bà con, đến khi thu hoạch thì trả lại. Nhiều thành viên trong tổ còn ứng hàng chục triệu đồng giúp các hộ mua vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu… Anh Hồi cho biết, hàng năm, gia đình anh ứng trước cho bà con gần 50 triệu đồng (trung bình 500.000 đồng /hộ), sau đó, đến vụ thu hoạch, hai bên tự mua bán theo giá thoả thuận, sau đó mới trừ tiền. Nhờ có tổ thu mua nên bà con xã Việt Hùng rất yên tâm mở rộng vùng chuyên canh khoai tây, hiện đã lên 250ha, năng suất bình quân 18 tấn /ha. Tuy nhiên, theo anh Hồi, hoạt động của Tổ thu gom tiêu thụ khoai tây vẫn còn gặp nhiều khó khăn về vốn, chính sách… Các cấp chính quyền mới chỉ giúp đỡ về phương tiện thu mua. Ngoài ra, do yêu cầu về mặt hàng này ngày càng khắt khe, một số doanh nghiệp chế biến đòi hỏi khoai phải to, lòng đỏ và đẹp, trong khi nông dân vẫn chưa đáp ứng được. Các hộ trồng vẫn chưa thực sự chú ý tới tiêu chuẩn hàng hoá, nên khi thu gom vận chuyển hàng hoá dễ bị xây xát, tỷ lệ khoai hỏng tương đối nhiều...

Trong khi ngành chức năng đang hô hào doanh nghiệp liên kết với nông dân trong tiêu thụ sản phẩm, thì ở xã Việt Hùng, bà con liên kết lại với nhau làm ăn trên cơ sở tôn trọng chữ Tín và vì quyền lợi của nhau. Đó cũng là điều kiện quan trọng để mọi mối liên kết trở nên bền chặt.