Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đang xuất hiện một hình thức mua bán chưa từng có tiền lệ. Dù vụ tỏi 2010 - 2011 mới bắt đầu xuống giống nhưng nhiều người đã đến ngay chân ruộng để đặt mua.
Việc mua bán diễn ra nhanh chóng, đơn giản. Bên bán chỉ cần cam kết sau khi thu hoạch tỏi không bán cho người khác thì sẽ được bên mua ứng tiền trước, giá mua tính theo giá thị trường tại thời điểm bán.
Hiện nhiều diện tích đất trồng tỏi ở Lý Sơn đã được người mua đặt cọc tiền.
Lý giải hiện tượng “lạ” này, một lãnh đạo huyện Lý Sơn chỉ nói ngắn gọn: “Đó là sức mạnh của thương hiệu”.
Quả thật, từ nhiều năm trước, tỏi Lý Sơn dù được người tiêu dùng cả nước biết đến bởi hương vị đặc trưng độc đáo: thơm dịu, cay dịu và có hàm lượng tinh dầu cao, tuy nhiên do không cạnh tranh nổi với các loại tỏi Trung Quốc tràn ngập thị trường, củ to, giá lại rẻ nên tỏi Lý Sơn cũng chung số phận với nhiều loại nông sản khác.
Nhiều năm, giá tỏi Lý Sơn rớt xuống mức thê thảm khiến hàng ngàn nông dân trồng tỏi khốn khổ, nhiều người lâm cảnh nợ nần. Vì thế, nhiều nông dân không còn mặn mà với cây tỏi, nhiều vụ họ chỉ trồng cầm chừng.
Theo ông Võ Xuân Huyện - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn - kể từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận thương hiệu quốc gia vào năm 2009, tỏi Lý Sơn bắt đầu được tiêu thụ mạnh trên thị trường, giá mỗi năm một tăng. Năm 2010, tỏi Lý Sơn bắt đầu “lên ngôi”.
Nếu như đầu năm 2009, giá tỏi khô chỉ có 20 ngàn đồng/kg thì đến đầu năm 2010 đã tăng lên 50 - 60 ngàn đồng/kg, còn hiện tại là 75 - 85 ngàn đồng/kg nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.
Giá loại tỏi một (củ tỏi chỉ có 1 tép) dù lên đến khoảng 350 ngàn đồng/kg cũng khó có thể mua được.
Ông Huyện nhẩm tính, với giá cả như hiện nay, vụ tỏi 2009 - 2010 diện tích gần 300 ha, sản lượng gần 2.000 tấn, nông dân Lý Sơn đã thu về khoảng 150 tỉ đồng. Đó là chưa kể, sau khi thu hoạch tỏi, từ đầu năm đến nay nông dân Lý Sơn còn sản xuất thêm 3 vụ hành, thu về gần 30 tỉ đồng.
Ông Đinh Văn Khanh - một nông dân ở thôn Đông, xã An Vĩnh có trên 10 sào đất trồng hành, tỏi cho biết, làm 1 vụ tỏi và 3 vụ hành mỗi năm, gia đình ông đã thu về trên 300 triệu đồng, trừ các khoản chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng.
“Từ ngày có thương hiệu, người dân trồng hành, tỏi có thu nhập khá cao, không thua gì các ngành nghề khác nên ai cũng phấn khởi”, ông Khanh nói.
Còn ông Võ Xuân Huyện thì khẳng định: “Giúp nông dân quảng bá sản phẩm hành tỏi, nâng cao chất lượng, giá trị sau thu hoạch là mục tiêu được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu để đặc sản hành, tỏi của Lý Sơn không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn vươn ra xuất khẩu”.