00:00 Số lượt truy cập: 3084213

Tôm sú mất “ngôi” 

Được đăng : 03/11/2016
Lần đầu tiên trong xuất khẩu thủy sản kim ngạch xuất khẩu con tôm đã phải nhường ngôi vị quán quân cho con cá tra và ba sa. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 5 tháng đầu năm 2009, trong số 1,369 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản, con tôm chỉ có 441 triệu USD (chiếm 32,2% tỷ trọng xuất khẩu), tương đương 53.300 tấn (giảm 7,3% giá trị và 1,9% khối lượng), trong khi kim ngạch xuất khẩu cá tra là 477 triệu USD.

Khan hiếm tôm

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Ủy ban Tôm thuộc VASEP cho biết, tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu hiện nay là hậu quả của diễn biến thị trường tôm thế giới, cộng với dịch bệnh và thời tiết bất lợi làm người nuôi e ngại. Diện tích nuôi tôm công nghiệp (CN) và bán công nghiệp (BCN) so với cùng kỳ năm rồi giảm mạnh - đến cuối tháng 4 nhiều nơi chưa dám thả con giống.

Hiện nay, diện tích tôm CN và BCN ở những tỉnh có diện tích lớn nhất vùng như Bạc Liêu chỉ khoảng 2.800ha/10.000ha, Cà Mau mới hơn 1.000ha/trên 3.000ha, Sóc Trăng cũng khoảng 1.000ha/5.000ha. Dự báo, sản lượng tôm sú ở ĐBSCL năm nay giảm 30%-40% so với năm 2007.

Những khó khăn nêu trên cộng với giá thức ăn tăng cao, các đại lý thức ăn không chịu bán trả chậm (do khó thu hồi vốn như trước) nên người nuôi không còn vốn đầu tư. Trong khi tôm nuôi theo kiểu quảng canh cải tiến tôm – rừng hay tôm – lúa chưa thu hoạch và cũng không nhiều. Nhiều nhà máy chế biến tại vùng tôm nguyên liệu như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… chỉ hoạt động khoảng 30% công suất.

Từ năm 2008, sau khi được sự đồng ý của Bộ NN-PTNT, nhiều vùng ở ĐBSCL chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT) do năng suất cao và thời gian nuôi ngắn hơn so với tôm sú, giảm được chi phí thức ăn và điều quan trọng là giảm thiểu nguy cơ rủi ro dịch bệnh và thời tiết bất thường.

Tôm TCT được nuôi chủ yếu ở duyên hải miền Trung, sản lượng cũng vài chục ngàn tấn. Nhưng theo Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Thuận Phước (Đà Nẵng) Trần Văn Lĩnh, dịch bệnh của tôm TCT, cũng tương tự như con tôm sú trước đó (dịch bệnh tôm sú đã tàn phá cả miền Trung nên phải chuyển qua nuôi tôm TCT). Dù là tôm sú hay tôm TCT, vấn đề hiện tại là hạn chế cho được những thay đổi bất thường của thời tiết, giảm thiểu những tác động của môi trường, thông qua việc giải quyết thủy lợi cho nuôi trồng, quản lý cộng đồng.

Và vấn đề cốt lõi vẫn là chất lượng con giống (sạch bệnh hay cao hơn là kháng bệnh). Con giống khỏe mạnh mới có thể chống chịu được những đổi thay thất thường thời tiết và khả năng kháng dịch bệnh tốt hơn. Nhưng theo ông Lê Văn Quang, tôm sú giống trên thị trường đa số bị cận huyết, tỷ lệ chết rất cao (lên đến 80%), nếu sống cũng chậm hoặc không lớn được. Trong khi con giống nhập khẩu làm giá thành tôm post tăng cao, lên đến 35 - 40 đồng/con, so với con giống trôi nổi chỉ 10 đồng/con. 

Tôm sú - đã có giống sạch bệnh

Suy thoái kinh tế không chỉ làm nhu cầu tiêu thụ giảm mà còn có sự thay đổi, người tiêu dùng chuyển từ tôm sú cỡ lớn sang cỡ trung bình, nhất là nhỏ, nhưng tôm sú còn bị tôm TCT vượt qua ở những thị trường vốn ưa thích tôm sú cỡ lớn như Nhật Bản... Thị phần tôm TCT toàn cầu hiện nay lên đến 80%, tôm sú chỉ còn 20%.

Giá tôm thẻ chân trắng từ 60.000 đồng/kg (loại 100 con) xuống còn 40.000 đồng/kg (nếu giá tiếp tục giảm người nuôi sẽ lỗ và ngưng nuôi như con tôm sú trước đó). Trong khi giá tôm sú sau thời gian giảm mạnh, người nuôi khốn đốn, vừa qua giá lại tăng lên thì lại không có tôm để bán.

Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch VASEP, cũng nhận định, suy thoái kinh tế không phải là khó khăn chính, vấn đề nội tại của ngành thủy sản, trong đó có con tôm sú (con giống, gian lận thương mại, truy nguyên nguồn gốc, quy hoạch, môi trường…) mới là những điều cần phải được giải quyết dứt điểm.

Chủ tịch UB tôm Lê Văn Quang cảnh báo, nếu không có giải pháp đồng bộ, vài năm nữa, con tôm sú sẽ biến mất trên thị trường vì rủi ro quá cao. Điều đáng nói, ĐBSCL từ lâu được xác định là vùng chuyên nuôi tôm sú, bởi vùng đất này vốn có lợi thế nuôi tôm sú cỡ lớn (ít quốc gia nuôi được) và có thị trường khá ổn định. Do đó, dù con tôm TCT đã được nuôi từ các tỉnh miền Trung trở ra, nhưng vẫn không được nuôi tại ĐBSCL do lo ngại dịch bệnh lây lan (hội chứng Taura ở tôm TCT).

Hơn 1 năm qua, người nuôi tôm sú và nhà chế biến gặp khó khăn về thị trường trước sự thay đổi này, người nuôi phải chuyển qua nuôi tôm TCT. Nhưng việc chuyển đổi này không hề đơn giản, chưa được chuẩn bị kỹ nên không thể cạnh tranh về giá với các nước đã chuyển qua nuôi tôm TCT hơn 10 năm qua, đã có những nghiên cứu chuyên sâu như Trung Quốc, Thái Lan.

Thực ra, con tôm sú, dù suy giảm sức mua, nhưng không phải là hoàn toàn ngưng trệ mà vẫn có thị trường, vì tôm TCT chỉ thay thế tôm sú cỡ nhỏ. Điều đáng nói, khi thị trường cần thì người nuôi không có đủ để đáp ứng. Vì vậy, dù đồng ý cho nuôi tôm TCT ở ĐBSCL, nhưng vẫn phải đảm bảo vùng nuôi tôm sú an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, cho biết, viện đã thành công bước đầu khi tạo ra được con tôm post sạch bệnh từ con tôm sú giống trong nước, đã được nuôi thương mại tại Sóc Trăng 2 vụ liên tiếp và cho kết quả khá tốt, tỷ lệ sống 60%, kích cỡ đồng đều, nuôi 3,5 tháng đạt 30 con/kg. Ngoài ra, Công ty Moana (Hawai) đã đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận sản xuất con giống sạch bệnh và cung cấp ra thị trường. Con tôm post 1g nuôi 100 ngày đã tăng lên 34g, tỷ lệ sống lên trên 80%.

Con tôm sú do mới được khép kín vòng đời, nên chưa thể tạo ra con giống kháng bệnh (cao hơn sạch bệnh) như con tôm TCT và đó là hướng đi mà viện và Công ty Moana nhắm đến. Nhưng vấn đề là vùng nuôi tôm sú phải được quy hoạch cụ thể, đảm bảo yếu tố môi trường, không thể đầu tư và nuôi như hiện nay. Có như vậy, hy vọng thời gian tới con tôm sú mới có thể trở lại vị thế vốn có. 

Kiên Giang: Trên 24.000 tấn tôm chưa tìm được thị trường

UBND tỉnh Kiên Giang đang kiến nghị Chính phủ xin cơ chế tạm trữ đông tôm để tránh thiệt hại cho người nuôi lẫn doanh nghiệp chế biến. Năm nay, dự kiến sản lượng tôm nguyên liệu của Kiên Giang khoảng 28.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay, lượng tôm xuất khẩu chỉ được hơn 843 tấn tôm đông (tương đương 1.600 tấn tôm tươi), còn trên 24.000 tấn vẫn chưa tìm được thị trường.

Thời gian qua, diện tích hồ tôm dọc ven biển thuộc huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam) tiếp tục tăng nhanh, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương. Nguyên nhân là từ đầu năm đến nay, tôm thẻ chân trắng được mùa, được giá.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Nam, vụ tôm vừa qua, toàn tỉnh có 1.400ha tôm thẻ chân trắng, năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha, cao nhất trong 3 năm lại đây. Với giá bán bình quân 45.000 đồng/kg, người nuôi tôm có thể lãi 200 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là môi trường nước bị đe dọa do tình trạng đua nhau đào ao nuôi tôm không theo quy hoạch.

T-L-K