Bao đời nay mấy ai nghĩ đến chuyện làm giàu trên cát trắng, mùa mưa thì cát trôi cát lấp, mùa hạ thì cát nhảy cát bay. Ấy thế, những năm trở lại đây bằng sức người, sức của, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các tổ chức Quốc tế..., những vùng cát trắng hoang hóa đã được đánh thức tiềm năng bằng các mô hình như trồng trọt, chăn nuôi tạo nên những vùng cây cối xanh tươi trải dài trên những miền cát trắng hoang hóa một thời, mang lại sức sống mới cho người dân ở những vùng bãi ngang.
Đáng chú ý là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/héc ta, nhờ thế mà nhiều người dân từ nghèo khó đã nhanh chóng đổi đời, trở nên giàu có. Vùng cát các xã ven biển của huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một trong những vùng quê như thế.
Vùng nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát của xã Triệu Lăng |
Đến thời điểm hiện tại toàn huyện Triệu Phong có tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên vùng cát hơn 130 ha, tập trung ở các xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu An với năng suất bình quân 40 tấn/ha/năm, giá trị 2,4 tỷ đồng, trừ chi phí xong các khoản còn lãi hơn 700 triệu đồng. Anh Đặng Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng cho biết: Triệu Lăng bắt đầu nuôi tôm thẻ chân trắng từ năm 2007, với diện tích ao hồ năm đầu chỉ có 3,5 ha, vì lợi nhuận thu lại cao, nên những năm trở lại đây nhất vào năm 2008-2009 diện tích nuôi tôm thẻ trên cát ở Triệu Vân đã phát triển rất nhanh, đến nay toàn xã có hơn 300 hộ gia đình nuôi với tổng diện tích là 53 ha, phần lớn nằm cạnh bờ biển. Các hộ nuôi tôm đều thu hiệu quả cao, mỗi hộ một năm kiếm được hàng trăm triệu đồng, có hộ thu lãi tiền tỷ.
Anh Trần Xuân Quý ở thôn 4, xã Triệu Lăng có diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng rộng gần 5.000 mét vuông vừa thu xong vụ cuối cùng của năm 2009, đạt sản lượng hơn 10 tấn, chi phí xong các khoản anh còn lãi hơn 400 triệu. Anh Quý cho biết: Trước đây cả gia đình anh làm nhiều nghề như dịch vụ nhà hàng, làm nông nghiệp... nhưng cuộc sống chỉ đắp đủ qua ngày. Sau khi nghe tin nhiều mô hình nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả cao ở các tỉnh phía Nam, anh đã cơm đùm gạo bới đến những nơi đó để học hỏi kinh nghiệm. Tích lũy được những tiến bộ khoa học kỹ thuật, năm 2008 anh mạnh dạn vay vốn của người thân đầu tư nuôi tôm thẻ.
Với diện tích 5.000 m2, anh Quý đã đầu tư hơn 300 triệu đồng từ việc xây dựng ao hồ, mua bạt lót hồ và các phương tiện máy móc khác. Theo anh, ngoài việc đầu tư nuôi tôm thẻ có quy mô và đúng quy trình, để con giống tránh được các mầm bệnh và chóng lớn thì việc chọn và chăm sóc con giống đúng cách rất quan trọng, việc giữ cho môi trường nước không bị ô nhiễm càng quan trọng hơn. Từ năm 2008 đến nay anh Quý đã nuôi được 5 vụ tôm, với tổng sản lượng gần 44 tấn, chi phí xong các khoản anh còn lãi hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại anh tiếp tục đầu tư hơn 1 tỷ mở thêm diện tích nuôi tôm, rộng 2 ha.
Nuôi tôm thẻ chân trắng ở các xã ven biển Triệu Phong đã đem lại lợi nhuận rất cao, đây là nguồn thu nhập xưa nay hiếm không chỉ ở vùng bãi ngang mà còn ở nhiều vùng khác trong huyện. Vì thế hiện tại người dân ở các xã ven biển Triệu Phong đang tiếp tục mở rộng thêm diện tích nuôi tôm thẻ trên cát rất tự phát. Việc lấn đất vào làng, lấy đất cát ở các vùng đồi để đắp đê bao cho hồ nuôi tôm đã ít nhiều đang ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt là các diện tích rừng trồng phòng hộ trên các vùng đồi cũng bị chặt phá...
Thiết nghĩ chính quyến địa phương các cấp, các cơ quan liên quan sớm có quy hoạch cụ thể cho các diện tích nuôi tôm ở các xã ven biển Triệu Phong nói riêng và cả tỉnh nói chung để nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát phát triển có hiệu quả, bền vững.