00:00 Số lượt truy cập: 2669737

Trà Vinh: Thử nghiệm thành công cách thụ phấn trợ lực cho cây dừa sáp 

Được đăng : 03/11/2016

 Sở Khoa học Công nghệ Trà Vinh phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò (Bến Tre) đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công cách thụ phấn trợ lực cho cây dừa sáp (dừa đặc ruột) làm tăng tỷ lệ dừa sáp trên buồng.


Chương trình này bắt đầu thực hiện kể tháng 6/2007 tại xã Hoà Ân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh) chia làm ba loại: loại thụ phấn đủ 4 bông, loại thụ phấn 3 bông, loại thụ phấn 2 bông.

Ngoài việc phối với hợp với Trung tâm Thực nghiệm Đồng Gò, Sở Khoa học- Công nghệ tỉnh Trà Vinh còn phối hợp với Viện Nghiên cứu Dầu thực vật- Hương liệu- Mỹ phẩm TP. Hồ Chí Minh triển khai đề tài "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để xây dựng mô hình chuyên canh dừa sáp". Đề tài này được triển khai thực hiện tại huyện Cầu Kè, trên diện tích 6 ha trồng giống dừa sáp đầu giồng. Trong đó, có 2 ha trồng xen và 1 ha trồng theo phương pháp cấp phôi nhập từ Philppines. Mục tiêu đề tài này là nhằm lưu giữ giống dừa sáp quí hiếm của địa phương và nâng tỷ lệ cho trái sáp chiếm từ 80% trở lên.

Dừa sáp là một loại đặc sản quí hiếm ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh), điểm nổi bật giống dừa này là cơm dừa mềm xốp, nước sền sệt đặc kín trong ruột và có mùi thơm đặc trưng. Đa phần khách du lịch đến Trà Vinh đều muốn thưởng thức dừa sáp và mua về làm quà cho người thân. Từ đó, giá dừa sáp khá cao, khoảng từ 40.000 đến 50.000 đồng/trái; riêng vào dịp Tết Mậu Tý 2008 vừa qua giá tăng đến mức kỷ lục 100.000 đồng/trái nhưng nhà vườn không đủ bán.

Trà Vinh hiện có khoảng 1.000 cây dừa sáp đang cho trái, tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè. Do đa phần người dân tự nhân giống nên tỷ lệ trái sáp chiếm không cao, tối đa chỉ khoảng 30% so với tổng số trái trong mỗi buồng dừa. Với việc thụ phấn trợ lực, các nhà khoa học hy vọng nâng được tỷ lệ trái cho sáp, mở ra triển vọng mới cho nhà vườn huyện Cầu Kè tạo điều kiện phát huy lợi thế đặc sản này kết hợp với khai thác tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn ở vùng ven sông Hậu./.