Đã nhiều năm nay, việc trồng cây ăn trái ở vùng ĐBSCL thường diễn ra một cách tự phát. Người dân cứ thấy loại cây nào bán có giá là đua nhau trồng nên dễ dẫn đến tình trạng khủng hoảng thừa. Trái cây là loại hàng hoá khó bảo quản, tỉ lệ hư hỏng sau thu hoạch khá cao (30%), trong khi bà con lại trồng quá nhiều loại cây trên một mảnh vườn, dẫn tới tình trạng trái cây không đảm bảo chất lượng. Theo ông Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long có nhiều diện tích trồng cây ăn trái nhưng những loại trái cây đặc sản không nhiều, mỗi loại chỉ từ vài trăm đến vài ngàn hecta và trồng rất phân tán, manh mún, không có thương hiệu. Trong khi thương hiệu chính là sự cam kết của người sản xuất với người tiêu dùng, nhờ thương hiệu bà con mới có thể tiến tới sản xuất lớn, bán trái cây với giá cao. Hiện vùng ĐBSCL có 9 cây đặc sản được Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định có khả năng cạnh tranh là bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cam sành, xoài cát Hoà Lộc, sầu riêng Chín Hoá, sầu riêng Ri 6, măng cụt, thanh long và vú sữa Lò Rèn, tập trung ở 3 tỉnh có lợi thế về sinh thái, truyền thống và thương hiệu là Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre. Đây là những giống trái ngon nổi tiếng, được người tiêu dùng khắp nơi ưa chuộng nên đang được các địa phương phát triển theo hướng cải tạo, nâng cao chất lượng và trồng mới, tạo thành vùng sản xuất lớn gắn với thương hiệu. Nhằm tăng khả năng liên kết giữa các nhà trong chuỗi sản xuất, cung ứng trái cây, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Hiệp hội Trái cây Việt Nam, Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã thành lập “Ban điều hành liên kết sản xuất tiêu thụ trái cây an toàn Sông Tiền (GAP Sông Tiền), gồm 6 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TP. Hồ Chí Minh nhằm giúp nông dân xoá dần nghịch lý “được mùa rớt giá”. Theo đó, Ban điều hành đẩy mạnh việc củng cố các HTX trái cây, nâng cao kỹ thuật canh tác, giống, nâng cao việc bảo quản và chế biến sau thu hoạch; tăng cường sản xuất trái cây gắn với thị trường theo tiêu chuẩn GAP. Theo ông Châu, để nâng cao giá trị của trái cây ĐBSCL và lấy lại vị thế trước những loại trái cây nhập khẩu, các tỉnh trong khu vực cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng trước tiên nông dân phải mạnh dạn thay những giống cây ăn trái chất lượng kém bằng giống cây trồng mới chất lượng cao hơn; xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn trái lớn; hướng dẫn nông dân áp dụng kỹ thuật tiên tiến để sản xuất trái cây an toàn; đẩy mạnh liên kết 4 “nhà”... Mong rằng, với những giải pháp tích cực, trái cây ĐBSCL sớm lấy lại vị thế. |