00:00 Số lượt truy cập: 3079463

Trái cây địa phương Việt Nam, một lợi thế cạnh tranh vượt trội 

Được đăng : 03/11/2016
Theo Tổng cục Thống kê, tám tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã xuất khẩu nhóm rau quả thu về 278 triệu USD, nhập 166 triệu USD. Như vậy ta xuất siêu 112 triệu USD. Thật ra, con số đó chưa phản ánh đúng tiềm năng của trái cây việt nam. Một trong những lý giải là vì ta chưa tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường, trước hết là chưa xác định rõ hơn tiền đề lợi thế cạnh tranh để tập trung nghiên cứu và phát triển quyết liệt, cho nên chưa phát huy được lợi thế vốn có của trái cây Việt Nam.

Về khoa học và công nghệ, nhiều nhà khoa học cho rằng, chính trái cây địa phương Việt Nam là tiền đề cho lợi thế cạnh tranh. Giữ gìn và phát triển cây ăn quả địa phương từ các khâu xác định gìn giữ nguồn gien địa phương quý; lai tạo, tuyển chọn, nhân giống cây chất lượng cao; sản xuất theo tiêu chuẩn Việt GAP/GlobalGAP..., sẽ có thể góp phần tích cực cho bước tiến mới của ngành sản xuất, kinh doanh trái cây Việt Nam đạt các tiêu chí tương xứng với tiềm năng.

Về di truyền có ba loại giống, giống địa phương với cây giống "tổ" và cây giống cải thiện; giống tạo chọn trong nước bằng phương pháp khác nhau; giống nhập nội, nhất là đối với bơ, hồng, dứa Cay-en có ưu điểm hơn cây địa phương của nước ta. Các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ đều có những đề tài và kết quả nghiên cứu về cả ba loại giống này, mặc dù còn phải tiếp tục đẩy mạnh hơn. Có được giống tốt đã khó, nhưng gìn giữ và phát huy được trong sản xuất còn khó hơn nhiều. Có lẽ khâu yếu nhất trong vấn đề này là chất lượng cây giống, cây khỏe, sạch sâu bệnh.

Ở nước ngoài, loại đặc sản hầu như đều do tuyển chọn từ giống địa phương. Như ở Thái-lan, tất cả các giống cây ăn quả đang được thương mại hóa đều từ tuyển chọn giống địa phương, như sầu riêng Mongthong, chôm chôm Rong-riêng, xoài Khiêusavoi, bòn bon... Có những giống không thương mại hóa được, như sầu riêng do không có mùi đặc trưng.

Liên hoan (Festival) trái cây Việt Nam lần thứ nhất được khai mạc ngày 19-4 tại TP Mỹ Tho, do tỉnh Tiền Giang đăng cai, có nhiều thể hiện nội dung nói trên, bằng nhiều hình thức như: Hội thảo, giao lưu, trưng bày, triển lãm, tư vấn, ẩm thực, tham quan...

Theo nhiều báo cáo trong diễn đàn Khuyến nông Ú công nghệ về chuyên đề "Bảo tồn và phát triển cây trồng, vật nuôi địa phương gắn với du lịch sinh thái" tại Phú Quốc ngày 6 và 7-3-2009 và nhiều kết quả nghiên cứu khảo sát khác, thì có rất nhiều cây trồng vật nuôi địa phương được tuyển chọn tự nhiên và chọn lọc nhân tạo qua nhiều năm, nhiều thế kỷ. Những giống cây địa phương đến nay còn tồn tại mang nhiều đặc tính quý, nhất là về chất lượng. Nhiều giống cây trồng đã nổi tiếng và lưu truyền trong ca dao, như: "Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì, tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn".

Về trái cây địa phương, nhiều nhà khoa học ở bắc, trung và Nam Bộ trong cuộc Hội thảo giao lưu về trái cây ở Viện Cây ăn quả miền nam ngày 25-8-2009, đã có những nhận định giống nhau: Trái cây địa phương nói chung có chất lượng vượt trội so với trái cây nhập khẩu. GS, TSKH Trần Thế Tục cho rằng: Trái cây nhập khẩu có chất lượng như hồng, bơ, dứa, còn lại đều không bằng trái cây của nước ta.

Trái cây nhập khẩu, như táo, hồng, lê... thường bày bán ở siêu thị nhiều hơn, còn ở các quầy hàng, nhất là quầy hàng ở địa phương vùng sâu, vùng xa, có từ 90 đến 100% là trái cây địa phương. Người mua thành thị lúc đầu chọn trái cây nhập khẩu có mẫu mã và bao bì đẹp, càng về sau càng thấy trái cây địa phương ngon hơn. Người tiêu dùng hướng về trái cây địa phương hiện phù hợp phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Viện Cây ăn quả miền nam đã cùng với người làm vườn xác định cây tổ, nhân giống gốc và phổ biến giống bưởi Da xanh, bưởi Năm Roi; xoài cát Hòa Lộc; sầu riêng hạt lép Chính Hóa, Ðồng Nai, Tiền Giang, 6 Ri; thanh long ruột trắng Bình Thuận, Chợ Gạo, Tiền Giang; vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim, Tiền Giang, vú sữa Bơ ở Lai Vung, Ðồng Tháp..., gần đây có thêm thanh long ruột đỏ do viện lai tạo...

Ở phía bắc, Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương có chương trình nghiên cứu liên tục và ấn tượng về điều tra, tuyển chọn, phát hiện nhanh dòng/giống cây ăn quả địa phương như đối với nhãn chín sớm, vải chín muộn, cam, bưởi... Như đối với bưởi, phục tráng để nâng cao chất lượng, năng suất, độ đồng đều với mẫu mã bắt mắt, giảm hạt các giống bưởi địa phương như bưởi Ðoan Hùng, bưởi Phúc Trạch, bưởi Diễn, Thanh Trà...

Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm miền núi phía bắc mặc dù không phải là một viện nghiên cứu chuyên sâu về rau quả, nhưng cũng đầu tư nghiên cứu cây ăn quả, nhất là cây địa phương, như vải Lục Ngạn, vải chín sớm Hùng Long, cam sành Bố Hạ, cam sành Bắc Quang (Hà Giang), cam Hàm Yên (Tuyên Quang), hồng không hạt Lục Yên, hồng không hạt Hạc Trì, hồng Gia Thanh, xoài Yên Châu (Sơn La)...

Nhiều cơ quan nghiên cứu như ở Viện Di truyền nông nghiệp, Viện sinh học Nhiệt đới đều có thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo chúng tôi chưa có đề tài, dự án nào quy tụ những tổ chức và cá nhân, ở trung ương và địa phương nhằm trao đổi kinh nghiệm, trao đổi cây giống, vật liệu di truyền cho việc tạo chọn giống mới.