00:00 Số lượt truy cập: 3193357

Trại lợn lớn nhất tỉnh Hà Nam 

Được đăng : 03/11/2016

Người dân xã Liêm Truyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam ai cũng biết đến anh Phạm Ngọc Tuấn. Một người nông dân làm kinh tế giỏi, hiện là chủ của một trang trại rộng hơn 2,2 hecta^, có doanh thu mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng.


Cách đây 2 năm khi anh Tuấn chọn khu Đầm Ngái thuộc xã Liêm Tuyền để xây dựng trại chăn nuôi lợn, thì không ít người cho rằng việc làm đó là mạo hiểm. Bởi Đầm Ngái là nơi nước sâu, đất phèn chua thì làm sao biến thành trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Không nản chí, anh Tuấn quyết định đấu thầu hơn 2,2 hecta đầm trong vòng 50 năm và bắt tay ngay vào công việc xây dựng trang trại. Anh thuê người vượt đất, khoanh vùng và lên kế hoạch xây dựng từng khu của trang trại. Trước khi quyết định xây dựng, anh đã tham khảo nhiều tài liệu, đi học hỏi kinh nghiệm làm trang trại ở Phú Xuyên – Hà Tây.

Với số vốn đầu tư ban đầu gần 6 tỷ đồng, giờ đây hơn 2,2 hecta Đầm Ngái nước sâu ngày nào đã trở thành trang trại nuôi lợn, có quy mô về xây dựng và số lượng lợn nuôi lớn nhất tỉnh Hà Nam. Trại được xây dựng thành 3 khu riêng biệt: Khu nuôi lợn nái, lợn thịt và lợn cai sữa. Khu nuôi lợn nái và lợn cai sữa được xây dựng theo mô hình khép kín để ngăn ngừa vật trung gian gây bệnh, có hệ thống đèn điện sưởi ấm vào mùa đông, hệ thống khí phù hợp với vật nuôi. Khu lợn thịt được xây dựng theo hệ thống chuồng hở, tạo không khí thoáng mát để đàn lợn phát triển tốt. Cả 3 khu chăn nuôi đều được lắp hệ thống máng ăn và vòi nước tự động. Năm 2006 anh phạm Ngọc Tuấn được Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam ký quyết định hỗ trợ 170 triệu đồng để xây dựng thêm chuồng trại và làm đường bê tông.

Hiện nay đàn lợn của trang trại không kể lợn giống là 1400 con. Trong đó có 1.200 lợn thịt và 200 con lợn nái. Mỗi tháng trang trại xuất 23 tấn thịt, chủ yếu vào các thị trường Hải Phòng và Hà Nội. Đàn lợn nái mỗi tháng đẻ gần 400 con lợn giống. Doanh thu mỗi năm của trang trại là 5 tỷ đồng, lãi ròng 600 triệu đồng. Tận dụng nguồn nước thải và phân lợn, anh Tuấn cho đào 3 ao thả cá với tổng diện tích 1,6 hecta, mỗi năm tiền lãi thu từ cá là 40 triệu đồng.

Làm việc tại trang trại của gia đình anh Tuấn hiện có 12 công nhân với mức thu nhập từ 800-1 triệu đồng/ tháng.

Anh Phạm Ngọc Tuấn có kế hoạch mở rộng trang trại cả về cơ sở hạ tầng và đàn vật nuôi. Xây dựng bể xử lý nước thải với số vốn đầu tư khoảng 600 triệu đồng, trồng thêm nhiều cây ăn quả để tăng thu nhập và bảo vệ môi trường. Khu đầm lầy vùng chiêm trũng ngày nào giờ đã được khoác lên mình tấm áo xanh đầy sức sống.