00:00 Số lượt truy cập: 2995564

Trái ngọt trên vùng đất khô cằn 

Được đăng : 03/11/2016
Lúc thấy anh làm, nhiều người chẳng mấy tin tưởng. Bởi từ trước đến giờ chưa ai dám mạo hiểm với “canh bạc tiền tỷ” trên vùng đất đồi khô hạn này.

Đến thăm vườn quýt đường rộng hơn 5ha đang cho trái của gia đình nông dân Chắng Sìu Lầm, ở thôn Tú Sơn, xã Sông Lũy (Bắc Bình, Bình Thuận), chúng tôi như không tin vào mắt mình. Bởi vùng đất khô hạn, nghèo khó chỉ toàn cây dại đã được gia đình anh đã chinh phục, trở thành vườn cây ăn trái xanh tốt.

Là một nông dân chân chất thật thà, gắn với cuộc sống khổ cực ở vùng đất nghèo, anh đã nhận ra cái khó của người dân nơi đây. Bằng ý chí và nghị lực, anh mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng quýt đường, quyết tìm hướng đi mới để thoát nghèo.

Lúc thấy anh làm, nhiều người chẳng mấy tin tưởng. Bởi từ trước đến giờ chưa ai dám mạo hiểm với “canh bạc tiền tỷ” trên vùng đất đồi khô hạn này. Nhưng nói là làm, anh đi khắp nơi tầm sư học đạo, lại tìm hiểu thêm kỹ thuật canh tác trên sách, báo. Trời không phụ lòng người, hiện vườn quýt nhà anh đang bước vào mùa thu hoạch, trái trĩu đầy cành.

“Quýt đường da xanh là cây trồng mới được một số người dân địa phương đưa vào trồng khoảng 3 năm trở lại đây. Đây là giống cây trồng mới, xuất xứ từ miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng khi đưa về vùng đất này trồng thấy phù hợp, sinh trưởng tốt, tỷ lệ chết cây cũng ít hơn, khả năng cho trái không thua kém gì các nơi khác”- anh Lầm nói.

Không những thế, trồng quýt trên vùng đất này ít sâu bệnh hơn các nơi khác, thời tiết tương đối phù hợp nên cây phát triển tốt. Những ngày qua vườn quýt hơn 3.200 gốc trên diện tích 5ha của anh đang cho thu hoạch đều. Đến thời điểm này, anh đã thu hơn 12 tấn, bán tại vườn quýt loại I giá 20.000 đồng/kg, loại II giá 15.000 đồng/kg. Theo ước tính của anh, thì mùa trái đầu tiên này thu khoảng 45 tấn, sau trừ chi phí còn lãi hơn trăm triệu đồng.

Trồng quýt vốn đầu tư ban đầu lớn nên mùa đầu tiên lãi còn ít. Sang mùa trái thứ hai sẽ cho thu nhập cao hơn nhiều lần. Nhờ nắm được tiềm năng, lợi thế của cây quýt đường trong việc phát triển kinh tế, nên khi đưa vào trồng đến nay, gia đình có phần yên tâm. Một điều đáng ghi nhận nữa ở mô hình trồng quýt này là ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, anh còn tích cực hỗ trợ người dân trong thôn nắm bắt kỹ thuật áp dụng chăm sóc cho quýt đạt hiệu quả.

Hiện khu vực này đã phát triển hơn 100ha trồng cây ăn trái, mà quýt đường là cây chủ lực. Tuy nhiên, đây vẫn là loại cây trồng mới, nếu được các cấp ban ngành địa phương quan tâm hỗ trợ thì tin chắc vùng đất này sẽ được thay da đổi thịt từng ngày.