00:00 Số lượt truy cập: 3040882

Trại nhím 1,5 tỷ 

Được đăng : 03/11/2016

Trong khi đa phần các hộ dân mới bước vào nuôi nhím thường chỉ dám đầu tư từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để chăn nuôi thì anh Nguyễn Ngọc Long ở thôn Kim 3, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã dốc vốn 1,5 tỷ đồng vào mô hình nuôi nhím sinh sản. Quyết định táo bạo của anh Long đã khiến cho nhiều người dân trong khu vực không khỏi e ngại. Tuy nhiên bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.


Trao đổi với ông Liêu Xuân Hoà, Chủ tịch Hội nông dân huyện về phong trào nuôi con đặc sản ở Lục Ngạn, chúng tôi được biết đến trang trại nuôi nhím sinh sản lớn nhất tỉnh Bắc Giang của gia đình anh Nguyễn Ngọc Long.

Khu trang trại chăn nuôi nhím của gia đình anh Long được xây dựng quy mô khoa học trên diện tích hơn 1 sào đất, với 2 dẫy chuồng, mỗi chuồng chia làm hơn 40 ngăn, diện tích của mỗi ngăn chỉ rộng khoảng 1,5 m2 đủ chỗ một cặp nhím sinh sản. Bên cạnh mỗi chuồng có một hầm khí biogas để xử lý chất thải của nhím. Hướng dẫn cho mọi người đi thăm trang trại nuôi nhím của gia đình mình, anh Long (sinh năm 1969) chỉ tay về phía một cặp nhím mới sinh sản được 4 con cái rồi vui mừng nói: Con nhím này vừa mới đẻ cho anh được gần 2 cây vàng đấy. Thông thường mỗi cặp nhím con hiện nay chỉ bán được giá từ 12 – 15 triệu đồng, nhưng với giống nhím đẻ sai này, mấy người đã đến đặt mua nhím con để làm giống với giá 12 triệu đồng/con...

Vốn là một người năng động, sau khi đi tìm hiểu học tập kinh nghiệm từ các trang trại nuôi nhím ở trong và ngoài tỉnh Bắc Giang, đầu năm 2009, anh Nguyễn Ngọc Long quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi nhím của gia đình mình. Ban đầu anh cũng chỉ mua 8 con nhím bố mẹ về nuôi thử nhưng sau một tháng chăn nuôi nhận thấy đây thực sự là con vật dễ nuôi, lại có thể cho hiệu quả kinh tế cao nên anh đã vận động mọi người trong gia đình cùng góp vốn để mở rộng trang trại.

Được biết để giúp cho nghề chăn nuôi con đặc sản ở địa phương phát triển bền vững, Hội nông dân huyện Lục Ngạn đã tổ chức thành lập Hợp tác xã gây, nuôi con đặc sản ở địa phương. Qua đó nhằm quy tụ những hộ chăn nuôi vào HTX để phổ biến kiến thức khoa học, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, đồng thời góp phần quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ con đặc sản.

Theo đó, anh Long mạnh dạn đầu tư ngay 1,4 tỷ đồng mua toàn bộ 70 cặp nhím bố mẹ ở một trại giống của tỉnh Sơn La về nuôi. Tính cả số tiền xây dựng chuồng trại thì mô hình của gia đình anh trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Cho đến đầu tháng 4 – 2009, việc đầu tư mua con giống, xây dựng trang trại và đăng ký thủ tục nuôi động vật hoang dã với cơ quan Kiểm lâm của gia đình anh đã được hoàn tất. Đây là mô hình nuôi nhím hiện đại và có quy mô lớn nhất của tỉnh Bắc Giang.

Quyết định táo bạo của gia đình anh Long đã không khỏi khiến cho nhiều người dân trong khu vực phải e ngại. Tuy nhiên sau 8 tháng tập trung chăn nuôi, đàn nhím của gia đình anh Long đã sinh sản được 52 con nhím con (26 cặp), anh Long bán với giá bình quân được hơn 12 triệu đồng/cặp, thu về được hơn 300 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí về thức ăn cho nhím và công lao động, gia đình anh Long thu lãi trên 260 triệu đồng.

Nói về kỹ thuật chọn giống và chăn nuôi nhím, anh Nguyễn Ngọc Long cho biết: So với các loại giống nhím ở địa phương khác thì nhím ở Sơn La con giống to và có khả năng sinh sản tốt hơn. Nhím là loài gặm nhấm, thức ăn của chúng là các loại rau, củ, quả rất sẵn có ở địa phương. Đây là con vật có sức đề kháng tốt, hầu như trong quá trình chăn nuôi không có bệnh tật gì, chỉ có một số con có biểu hiện bệnh đường ruột nhưng cũng dễ xử lý. Do vậy nuôi nhím nhàn hơn nhiều so với nuôi các con vật khác. Ngoài việc cung cấp thức ăn đầy đủ cho nhím, mỗi ngày người nuôi chỉ cần dọn dẹp chuồng nhím từ 1 - 2 lần.