Trần Văn Hường, nhà vườn giỏi
Được đăng : 03/11/2016
Theo chân anh Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch Hội Nông dân, kiêm Phó chủ tịch Hội Làm vườn xã Ân Mỹ (Hoài Ân - Bình Định), chúng tôi đến thăm trang trại của anh Trần Văn Hường ở thôn Long Quan. Không chỉ nổi tiếng khắp trong làng ngoài xã về tài làm vườn, chăn nuôi, anh Hường còn nhiệt tình, năng nổ với công tác Hội.
Bên tách trà nóng do chị Trần Thị Ái Nghĩa, vợ anh Hường mang lên, anh Hường vui vẻ trò chuyện về quá trình xây dựng trang trại của hai vợ chồng. Anh cho biết: Năm 1998, tôi bắt đầu xây dựng trang trại ở Hố Mau này với hai bàn tay trắng. Lúc đó, việc định hướng trồng cây gì, nuôi con gì vẫn hoàn toàn xa lạ, bởi hai vợ chồng vốn là công nhân lâm nghiệp, không biết gì về kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của gia đình, cũng vì nhu cầu bức thiết của cuộc sống, chúng tôi bắt tay vào lập trang trại, với khát khao đổi đời.
“Thời gian đầu, vợ chồng tôi gặp vô vàn khó khăn, nhất là về vốn, đã vậy, nhiều người còn cho rằng “có vấn đề” khi đâm đầu vào chỗ khó nhưng chúng tôi không hề nản chí và xác định, phải vất vả ít nhất 5 năm mới có thể ổn định. Thế là ngày ngày, chúng tôi vừa cày cuốc, vừa trồng hết khu này tới khu kia. Khi đó, một số hộ đã bắt đầu trồng dó bầu để tạo trầm, vì thế tôi cũng chọn dó bầu làm cây chủ lực trong trang trại, đồng thời trồng xen chôm chôm và dừa xiêm. Quả nhiên, trời không phụ lòng người, nhìn những cây dó bầu, chôm chôm và dừa xiêm ngày một phát triển, sự vất vả, khó khăn cũng dần tan biến. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tôi mua 15 đôi chim bồ câu về nuôi thử. Nhờ được Quỹ giải quyết việc làm của Hội Nông dân cho vay 20 triệu đồng mà kế hoạch nuôi chim bồ câu của tôi thực hiện thành công, nay đang phát triển thuận lợi”, anh Hường kể.
Như để chứng minh điều mình vừa nói, anh Hường đưa chúng tôi ra thăm khu nuôi bồ câu với 200 đôi bồ câu sinh sản. “Sau khi trừ chi phí, mỗi năm đàn bồ câu cho lãi 60 triệu đồng. Nuôi bồ câu khá đơn giản, không tốn nhiều thời gian như những vật nuôi khác. Chỉ cần mỗi sáng bỏ thức ăn, nước uống cho chim là xong, thời gian còn lại mình lo chăm cây và làm việc khác”, anh Hường nói.
Anh Châu đánh giá: “Mô hình trang trại kết hợp chăn nuôi, trồng trọt của anh Hường là một minh chứng rõ rệt cho hiệu quả của đồng vốn vay. Người xưa có câu “siêng nhặt chặt giỏ” quả rất đúng. Để có được trang trại 5ha như hiện nay là cả quá trình tích lũy lâu dài của hai vợ chồng, chứ ban đầu chỉ có 0,5ha thôi”.
Anh Hường cho biết thêm, trừ lượng dó bầu anh đã bán được trên 100 triệu đồng thì trong vườn vẫn còn trên mấy ngàn cây khoảng 9 năm tuổi, giá mỗi cây khoảng 8 - 9 triệu đồng, nhưng anh chưa bán vì giá đang có chiều hướng tăng. Mỗi năm anh còn có thêm 40 triệu đồng thu nhập từ tiền bán chôm chôm. Ngoài ra, vợ chồng anh còn tận dụng diện tích trang trại để nuôi vịt xiêm (miền Bắc gọi là ngan), gà, theo chị Nghĩa thì “chi phí hàng ngày trong gia đình không phải bận tâm, tiền bán gà, vịt cũng đủ”.
Chị Nghĩa tâm sự: Trước đây, khi con đường phía Tây Bình Định chưa có, việc đi lại rất khó khăn, chúng tôi phải tự mang sản phẩm đi bán, nhưng bây giờ, tuyến đường đã được xây dựng nên thương lái đến tận trang trại thu mua, vừa bớt vất vả, vừa có lãi khá.
“Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hường còn là cán bộ năng nổ, nhiệt tình, nói được, làm được nên hội viên rất tin tưởng. Nhiều hộ nông dân ở địa phương nhờ học theo mô hình trang trại của anh mà đã thoát nghèo…”, anh Châu nhận xét.