Anh Phạm Văn Hà (36 tuổi), ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn (Duy Xuyên - Quảng Nam) trở thành người nuôi gà rừng chuyên nghiệp đã cung cấp cho thị trường khoảng 500 con gà rừng giống, cho doanh thu mỗi năm gần 200 triệu đồng. Hiện đàn gà của anh còn lại hơn 100 con lớn nhỏ và tiếp tục phát triển.
Tiếp chúng tôi trong khuôn viên trang trại, anh Hà cho biết: Vào năm 2002, một lần đi rẫy cùng gia đình, anh nhặt được bảy quả trứng gà rừng. Anh mừng quá, mang về cho gà nhà ấp. Gần 20 ngày sau, trứng nở những chú gà con nhỏ thó nhưng không kém phần xinh xắn. Do chưa có kinh nghiệm nuôi gà rừng cho nên bốn con đã chết, ba con còn lại anh tiếp tục nuôi và thuần dưỡng, trong đó có một con gà trống.
Ban đầu vì thiếu kiến thức, nên việc chăm sóc những con gà rừng của anh gặp rất nhiều khó khăn. Thông qua các phương tiện ti-vi, sách báo anh tự mình học hỏi kỹ thuật chăm sóc gà rừng nên từ ba con gà ban đầu, vài năm sau đàn gà của anh ngày một phát triển. Ðể có thêm nguồn gà, anh Hà tìm hỏi những người đi rừng, chăn bò chăn trâu để hỏi mua thêm trứng mỗi khi họ vô tình tìm được để đưa về cho gà rừng nhà ấp.
Rút kinh nghiệm dần, sau một năm chú tâm chăm sóc, anh có đàn gà hơn mười con cả trống lẫn mái. Liên tục trong hai năm sau đó, đàn gà rừng của anh phát triển lên 30 con và bắt đầu thả được vào khu đất rừng ở phía sau nhà, cho gà. Buổi sáng mở chuồng cho gà vào rừng ăn, tối về chuồng nhốt, thời gian này cũng có mất mát gà (do không biết đường về và hoặc bỏ đi), nhưng đến nay thì số gà bỏ đi rất ít.
Hằng ngày anh vào rừng đào những ổ mối, bắt dế, nhái cùng với ngô, lúa... những món thức ăn đơn giản giúp ba con gà rừng lớn rất nhanh. Ðể tập thói quen cho gà, cứ chiều tối hằng ngày, trước khi cho gà ăn anh huýt sáo, ba con gà rừng như hiểu được tiếng người chủ nên lâu dần trở thành thói quen, càng ngày người và gà càng gần gũi nhau hơn.
Cứ mỗi chiều, anh huýt sáo để chúng bay về. Khi gà mái chạy quanh nhà tìm ổ để đẻ, anh Hà lót hai cái ổ cũng giống như cho gà nhà. Sau gần mười ngày đẻ 15 trứng, hai con bắt đầu ấp. Trong thời gian gà mái ấp, con gà trống suốt ngày chỉ quanh quẩn trong sân nhà để canh giữ. Gần 20 ngày sau, đàn gà con đã chào đời sau hơn sáu tháng chăm sóc.
Anh Hà cho hay, lúc đầu anh chỉ nuôi gà rừng để thỏa mãn ham thích theo kiểu nuôi trồng sinh vật cảnh vốn có của anh. Song, ý tưởng phát triển mạnh chăn nuôi gà rừng để cho thu nhập khi cuối năm 2003, có nhiều người đến hỏi mua gà rừng về làm cảnh nhưng anh Hà không có đủ lượng gà để bán. Ðầu năm 2004, anh bắt tay vào phát triển đàn gà rừng của mình theo hướng quy mô hơn. Ðến nay anh có gần 100 con gà rừng, mỗi năm xuất bán 60 - 80 con gà trưởng thành (1 trống và 1 mái), với giá 800.000 nghìn đồng/cặp và gà choai 500 nghìn đồng/cặp... nhưng rất hút hàng, nhiều khi không có gà để bán cho khách, phải hẹn chờ một thời gian để gà... đủ tuổi. Khách hàng của anh ở khắp nơi, nhưng nhiều nhất là từ miền nam tìm mua về nuôi kiểng trong nhà.
Anh Hà cho biết, hiện tại trang trại có ba con trống giống để phục vụ nhu cầu của khoảng 20 gà mái đẻ của trang trại. Bên cạnh đó còn có số lượng gà trống rừng thường hay bay về "giao lưu" với đàn gà mái để năng suất, chất lượng gà con được cao hơn. Song, phải chú ý, cái giống gà trống rừng gặp nhau thường tranh giành lãnh địa. Ðặc điểm nhận dạng giữa gà ta và gà rừng là gà trống đến tám tháng tuổi, tai bắt đầu trắng lên, gà mái thì tai có mầu xanh, lông mầu tro, cả gà trống lẫn mái chân đều có mầu chì đó là lúc gà trưởng thành. Ðối với gà trống nặng tối đa khoảng trên 1 kg và gà mái khoảng 700 gam.
Theo anh Hà thì nuôi gà rừng cũng không khó lắm, nếu không có bí quyết gà sẽ bỏ vào rừng hết. Ðể chứng minh, anh Hà liên tục huýt sáo bằng một âm điệu "đặc trưng", bỗng đâu gà rừng ở trong rừng có số bay, có số chạy về cả đàn, đáp xuống trước cửa chuồng. Khi gà mái làm tổ trong rừng để đẻ thì phá đi, vài lần như thế, gà mái sẽ về chuồng để đẻ trứng. Ngoài ra, gà rừng con phải được nuôi trong lồng, để cách ly với mặt đất, cho ăn mồi bằng thức ăn công nghiệp nuôi gà và thêm côn trùng, cỏ, rau. Sau 20 ngày tuổi thì cắt cám công nghiệp. Gà rừng đến sáu tháng tuổi là coi như trưởng thành.
Nhờ sự quan tâm, ủng hộ của Hội Nông dân xã, hợp tác xã dịch vụ và có nguồn thu từ gà rừng, anh đã mạnh dạn đầu tư 60 triệu đồng để xây dựng thêm một chuồng nuôi nhím tương đối quy mô với 13 con nhím trưởng thành. Ðầu năm 2010, anh bán hai cặp, thu về 60 triệu đồng, mở ra một hướng đi mới trong làm ăn kinh tế tại một vùng đất nghèo như ở Duy Sơn đồng thời việc nuôi gà rừng vừa giúp anh làm giàu chính đáng vừa bảo tồn giống gà rừng địa phương ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng nên được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành ở địa phương.
Trang trại nuôi gà rừng của anh Phạm Văn Hà tuy trong giai đoạn thể nghiệm, nhưng xem ra có nhiều hiệu quả bởi tiền đầu tư giống, thức ăn, làm chuồng trại không bao nhiêu, lại thêm gà rừng có sự miễn dịch tốt, chưa thấy bệnh tật. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ gà rừng rất mạnh nên gà anh nuôi thường không đủ bán cho người tiêu dùng. Nhiều người cho rằng: Có thể đây là trang trại nuôi gà rừng lớn nhất miền trung. Hằng năm, anh Hà thu nhập khoảng 50 triệu đồng lãi từ tiền bán gà rừng nuôi thả.