Với khát khao vươn lên phát triển kinh tế, bằng nghị lực và tinh thần cầu tiến không ngừng học hỏi, ông Đinh Văn Trẻ (1932) dân tộc H're ở thôn Làng Chai, xã Sơn Ba (Sơn Hà - Quảng Ngãi) đã gầy dựng nên trang trại nuôi trâu, bò trên chính mảnh đất quê hương mình với quy mô lên đến hơn cả trăm con.
Theo sự dẫn đường của ông Đinh Văn Hành- Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Ba, chúng tôi tìm đến nhà già Đinh Văn Trẻ khi mặt trời gần đứng bóng. Do đã hẹn ông từ trước, nên khi thấy chúng tôi, ông ra tận đầu ngõ để đón. Nở nụ cười hồn hậu, ông mời chúng tôi lên nhà uống nước trò chuyện.
Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với già Đinh Văn Trẻ đó là một người có vóc dáng to cao, và làn da nâu sạm toát lên vẻ khỏe mạnh. Dù đã biết qua tuổi "thất thập cổ lai hy" thế nhưng già Trẻ còn khá minh mẫn.
Khi đã yên vị trên chiếc chiếu trải giữa nhà, chúng tôi liền hỏi ông về ước vọng phát triển chăn nuôi làm giàu của ông. Trong ngôi nhà xây giả tầng nằm sâu trong làng Chai, khuôn mặt của già Trẻ trở nên rạng rỡ hơn khi kể về những bước ngoặt trong quá trình phát triển kinh tế của gia đình mình.
Sau một thời gian tham gia kháng chiến cho đến khi đất nước hòa bình, thống nhất và trở về làm cán bộ ở địa phương; điều mà người thanh niên tên Trẻ học được trong những năm tháng hoạt động, công tác cùng với cán bộ dưới xuôi đó là cách làm ăn để lúa trong nhà không hết và cái bụng không bị đói mỗi khi đến kỳ giáp hạt.
Vào thời điểm đầu thập kỉ 80, trong khi các gia đình ở đây vẫn mưu sinh theo kiểu phá rừng làm nương, đốn chặt củi để bán và chuyện trồng lúa nước vẫn còn quá xa lạ... thì từ 3 con trâu cái được chính quyền ưu tiên cấp cho, già Trẻ đã mạnh dạn làm đơn xin 20 ha rừng ở khu vực núi Ka Lênh, cách nơi ở hơn 6km để khoanh lại làm trại phát triển chăn nuôi. Đồng thời, khai hoang hơn 1 ha để trồng lúa nước.
Vợ chồng ông Đinh Văn Trẻ bên con trâu đực đầu đàn
"Đến năm 1985, tôi mượn tiền mua thêm 3 con trâu và 3 con bò nữa về nuôi và làm chòi ngay tại khu vực nuôi để trông coi, chăm sóc. Từ số trâu sinh sản có được hàng năm, tôi còn mua thêm trâu, bò về nuôi. Qua nhiều năm phát triển chăn nuôi, nhờ vậy mà, đàn trâu bò của tôi ngày một nhiều dần. Đến nay, thì tổng đàn gia súc trâu, bò, dê... của tôi khoảng hơn trăm con, trong đó số trâu lớn nhỏ ước khoảng 60 con"- già Trẻ nhẩm tính.
Ông Đinh Văn Thành- Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Ba kể: Cứ mỗi năm 2 lần, sau mùa gặt là ông Trẻ lại cho lùa đàn trâu bò của mình về nhà ăn thêm rơm rạ. Mỗi lần như vậy, cả con suối ở trong thôn gần như bị đàn trâu bò của ông Trẻ "chiếm" để tắm, uống nước. Ai thấy bầy trâu của ông Trẻ cũng mê.
Chỉ ngôi nhà giả tầng khang trang của mình, già Trẻ cười bảo, nhờ chăn nuôi trâu mà làm được ngôi nhà xây đầu tiên ở trong làng. "Vào khoảng năm 1994, một lần ra trung tâm huyện thấy ngôi nhà giả tầng khá đẹp nên mình "ưng cái bụng", mình đã kêu thương lái đến bán một lúc hơn 15 con trâu để mua vật liệu, trả tiền công thợ xây nhà"- già Trẻ kể.
"Con trâu sắt" già Trẻ sắm về để cày ruộng
Người tạo ra sự khác biệt đó, chính già Trẻ cũng là người tiên phong "đổi trâu thịt, lấy trâu sắt" ở làng Chai. "Năm 2000, khi tận mắt nhìn thấy sự tiện lợi của máy cày, tôi đã không ngần ngại bán 3 con trâu và 3 con bò "tậu" con "trâu sắt" 30 triệu đồng . Bò, trâu thì dư để cày, bừa thế nhưng không nhanh bằng cái máy này đâu"- già Trẻ giải thích.
Ngày già Trẻ đưa máy cày về làng, ai ai cũng bất ngờ. Với họ đây là một điều thật sự mới mẻ, bởi khó ai có thể ngờ rằng, trên vùng núi này có ngày người dân trong làng được thấy chiếc máy cày hì hục thay trâu.
Bên chiếc máy cày già Trẻ hồ hởi: Hơn hẳn con trâu mình nuôi rồi tập cày ruộng à. Chỉ việc cho nó uống vài lít dầu thế là leo lên nó chạy quanh ruộng bùn. Con trâu của mình chỉ cày tranh thủ vài tiếng vì còn phải đi gặm cỏ, cái máy này chạy cả ngày mà không biết mệt mỏi là gì.
Nhiều năm lăn lộn phát triển kinh tế, gắn bó với công việc chăn nuôi, đến nay gia đình già Trẻ, đã có một cơ ngơi khang trang. Ngoài số trâu bán xây nhà, mua sắm vật dụng, chi tiêu và trang trải cho cuộc sống, mỗi năm già cũng bán từ 5-10 con trâu, bò. Đó là chưa nói đến số trâu, bò mà già Trẻ đã chia cho 9 người con của mình để làm của hồi môn khi lập gia đình, trong đó người nhiều nhất được 6 con, ít nhất là 4 con. Nhẩm tính số trâu, bò, dê... hiện có, với số lượng có lúc trên cả 100 con nếu đem bán, thì số tiền thu về của già Trẻ cũng hơn cả tỉ đồng.
Nhờ chăn nuôi trâu, bò mà gia đình già Trẻ có cuộc sống ổn định
Hàng chục gắn bó với con trâu, con bò nên già Trẻ rất có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi và chăm sóc nên đàn trâu, bò nên ngoài phát triển chăn nuôi của gia đình, già Trẻ còn hướng dẫn bà con trong làng cách làm chuồng trại, chăm sóc trâu, bò tốt để hạn chế bệnh tật và chết vì rét.
"Lâu nay bà con chăn nuôi theo hướng thả rông hoàn toàn trong rừng chứ không có hệ thống chuồng trại nên khó thực hiện việc tiêm phòng các loại bệnh tật. Trâu, bò của bà con nhiều nhưng chết cũng nhiều do rét, do thiếu ăn về mùa đông. Chính vì vậy, cùng với sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, mình cũng giúp bà con trong làng cách làm chuồng trại và phòng trừ bệnh hiệu quả"- già Trẻ chia sẻ.
Năm nay, già Trẻ đã bước qua tuổi 82, dù tuổi đã cao và đôi chân không còn mạnh để thường xuyên ra vào rừng trông nom đàn gia súc, thế nhưng già Trẻ cho biết chưa bao giờ có ý định bán hết đàn trâu, bò của mình. Và việc giữ gìn, phát triển đàn trâu, bò già Trẻ giao lại con, cháu của mình.
Chia tay già Trẻ trong buổi chiều muộn, già bảo, giờ điều mong mỏi lớn nhất của già là nhà nào trong làng, trong xã cũng nuôi được đàn trâu, bò đông đúc, để không còn gia đình nào phải chịu cái đói, cái nghèo như trước kia nữa, để quê hương ngày càng phát triển và hưng thịnh.
Bảo Ngọc