Trang trại anh Nguyễn Thanh Hoàng, thôn 9, xã Tam Mỹ Tây (Núi Thành - Quảng Nam) rộng 2 ha, trông chẳng khác một “miệt vườn Nam Bộ” với nhiều loại cây ăn quả có giống ở miền Tây Nam Bộ, kết hợp với mô hình nuôi ba ba cho hiệu quả kinh tế cao.
“Miệt vườn Nam Bộ”
Sau khi nghỉ hưu, gom toàn bộ số tiền tích lũy hàng chục năm, vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hoàng lên núi mua lại đất của bà con để khai hoang, phát triển kinh tế vườn. Đầu tiên, anh bỏ ra hơn 500 triệu đồng xây dựng ao nuôi ba ba, trại nuôi gà, hệ thống vòi phun nước, hồ chứa nước và chơi cây cảnh. Sau đó, anh Hoàng đã mạnh dạn trồng nhiều giống cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như xoài Úc, đu đủ Đài Loan, chanh không hạt, mít múi đỏ Thái Lan...
Anh Hoàng sẵn sàng thuê tư vấn, kỹ sư nông nghiệp ở tận Bến Tre về hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt nên các loại cây ăn quả đều cho năng suất cao. Cây mít bản địa thường trồng từ 5 - 10 năm mới ra trái, nhưng mít múi đỏ Thái Lan chỉ trồng hơn một năm, phát triển cao ngang đầu người và bắt đầu ra trái. Chỉ tay vào một cây mít cao chưa được 1 mét nhưng trĩu nặng trái, anh Hoàng phấn khởi: “Loại mít này lạ thật, lớn nhanh như dưa, trái to phải nằm sà xuống đất. Mỗi cây mít chỉ cần cho 5 - 7 quả là hốt bạc rồi”. Theo anh Hoàng, hiện trang trại anh trồng khoảng 400 gốc mít Thái Lan, 200 gốc chanh không hạt, hơn 300 gốc xoài Úc và nhiều loại cây chuối, đu đủ, ổi... Tất cả các loại cây dù thu hoạch không phải cùng thời điểm, nhưng theo ước tính của anh Hoàng, vụ đầu, ít nhất kiếm được 40 triệu đồng.
Lấy ngắn nuôi dài, vốn ít đầu tư ít. Đó là phương châm trong việc phát triển mô hình kinh tế trang trại của anh Hoàng. Cùng với việc đa dạng các loại cây trái, hơn một năm nay, anh còn đầu tư xây dựng 300 m2 diện tích ao nuôi ba ba, thả 300 con giống. Giống ba ba mua từ miền Tây Nam Bộ với giá 100 nghìn đồng/con. Lứa đầu tiên, ba ba đẻ khoảng 1 nghìn trứng. Anh Hoàng nhẩm tính: “Giai đoạn trứng đẻ ra ba ba con, dù có bị hao hụt, khi bán giống, trừ vốn liếng ra tôi vẫn còn lời”. Nuôi ba ba trong trang trại này có thuận lợi hơn mọi vùng khác: nguồn nước sạch, mát mẻ quanh năm; thứa ăn tận dụng từ rau, cá trong vườn. Thêm vào đó, lại có kỹ sư thủy sản hướng dẫn kỹ thuật. Gần đây, trên địa bàn xã Tam Mỹ Tây có nhiều trang trại nuôi cá, cây ăn quả phát triển với quy mô lớn. Điều đáng nói, không ít nông dân đã liên kết lại với nhau làm ăn, bỏ tiền thuê kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật. “Cây ăn quả, con ba ba có triệu chứng gì bất thường, kỹ sư sẽ đến xử lý ngay. Bà con nông dân chúng tôi đã góp tiền thuê kỹ sư đến làm việc, nên ít sợ nguy cơ rủi ro trong trang trại của mình” - anh Hoàng nói.
Hiệu quả kép
Mục đích chính của anh Hoàng là phủ xanh đồi núi này bằng nhiều loại cây ăn quả, phục vụ cho ý tưởng phát triển du lịch sinh thái sau này. Trong một lần đi du lịch, vô tình một người khách lạc đường vào mảnh vườn anh. Người khách nọ đặt vấn đề đầu tư hệ thống khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đây. Nhưng anh Hoàng (và nhiều nông dân có trang trại khác) đắn đo chưa dám nhận lời. Từ đó, anh luôn trăn trở, tại sao người khách nọ nghĩ ra mà mình không làm được. Và anh Hoàng lặng lẽ mở rộng diện tích, phát triển trang trại theo kiểu miệt vườn sinh thái.
Ở trang trại anh Hoàng, nhiều người tìm thấy vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên ban tặng. Cây trái tràn trề sức sống bên con suối chảy róc rách, đồi núi bạt ngàn tạo nên phong cảnh hữu tình. Anh dự định khi có thu nhập khá từ các loài cây trái sẽ đem tiền đó đầu tư hệ thống khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng theo kiểu sinh thái. Anh cho biết: “Cùng với hố Giang Thơm cận kề - nơi thu hút du khách gần xa đến quan chiêm, các nông dân ở đây sẽ liên kết lại với nhau đầu tư nhà nghỉ, nhà hàng đầy đủ tiện nghi, có thể đáp ứng cho nhu cầu lưu trú của khách. Hiện, nhiều khách du lịch đã đến rong chơi ở các nhà vườn xã Tam Mỹ Tây, đa số họ đều bị quyến rũ trước vẻ đẹp thiên nhiên và nhà vườn của nông dân”.
Có thể nói, mô hình phát triển kinh tế trang trại theo kiểu sinh thái của anh Nguyễn Thanh Hoàng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Tư duy “đón đầu” đã được ông chủ này vận dụng khéo léo khi phát triển mô hình cây ăn quả ao nuôi kết hợp. Điều ai cũng nhận ra, một khi Khu Kinh tế mở Chu Lai phát triển với tốc độ nhanh, nhiều nhà đầu tư, người lao động đương nhiên rất muốn có chỗ nghỉ ngơi giải trí những ngày tháng làm việc mệt nhọc. Kiểu trang trại sinh thái như anh Hoàng cũng có thể là địa chỉ đáng để khách du lịch quan tâm.
Ông Trần Văn Hưng Trưởng phòng NN&PTNT huyện Núi Thành khẳng định: “Trang trại của Nguyễn Thanh Hoàng hoàn toàn có thể khai thác triệt để hiệu quả kinh tế các mô hình cây ăn quả, nuôi ba ba với sự kết hợp phát triển du lịch. Theo tôi, để khai thác hiệu quả nhất, các nông dân có nhà vườn, trang trại cần liên kết và đầu tư bài bản hơn”.