00:00 Số lượt truy cập: 3193564

Trang trại tổng hợp của anh Tuấn 

Được đăng : 03/11/2016

Lần đầu tiên đến với huyện miền núi Đô Lương (tỉnh Nghệ An) tôi thấy rất vui vì sự phát triển kinh tế của nông dân nơi đây. Toàn huyện hiện có trên 300 mô hình kinh tế phát triển theo quy mô trang trại, trong đó có 85 trang trại đã được cấp Giấy chứng nhận đạt chuẩn theo tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trang trại của anh Đặng Anh Tuấn ở xã Xuân Sơn là một điển hình trong số đó.


Trước đây, hai vợ chồng anh Tuấn đều là cán bộ của công ty chè, cà phê Thanh Hóa. Năm 1994 do công ty giải thể nên vợ chồng anh phải nghỉ việc theo chế độ. Do về sau Nghị quyết 10 nên gia đình anh không được chia đất sản xuất nông nghiệp như những hộ nông dân khác. Được sự giúp đỡ của Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân xã Xuân Sơn, gia đình anh đấu thầu 15,5 ha đất đồi trọc bạc màu để sản xuất. Từ năm 1995 đến năm 2000, gia đình anh cải tạo được 2 ha chân đồi để trồng lúa nước, sắn, khoai, đậu, lạc và 1ha cây ăn quả gồm nhãn, vải, cam, quýt kết hợp chăn nuôi trâu, lợn, gà quy mô nhỏ. Từ năm 2001 đến 2003, anh nâng cấp chăn nuôi gia cầm, lập lò ấp, nuôi gà mái đẻ để tự sản xuất con giống cho gia đình và cung cấp cho bà con xung quanh. Anh cải tạo 0,25ha đất để làm ao thả cá, mua máy cày để phục vụ gia đình và kinh doanh lúc mùa vụ. Năm 2003, dịch cúm gia cầm xảy ra trên toàn quốc, gia đình quyết định chuyển hướng sang chăn nuôi lợn siêu nạc, xây dựng trang trại lợn qui mô 30 nái ngoại và 200 con lợn thịt, cải tạo tiếp 0,25ha đất làm ao cá nâng diện tích ao cá lên 0,5ha. Năm 2005, gia đình anh mở đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi. Anh mua ô tô phục vụ vận chuyển cho gia đình và các trang trại. Năm 2009 gia đình đầu tư một trại lớn mới với quy mô 300 nái ngoại và 2000 lợn thịt với tổng kinh phí đầu tư ban đầu là 7 tỷ đồng, cải tạo tiếp 0,5ha đất thành ao cá, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 1ha. Ngoài ra anh còn trồng 12ha keo phủ kín diện tích còn lại.

Anh cho biết, trong quá trình xây dựng trang trại, gia đình anh luôn tìm tòi học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý kinh tế, liên hệ với các nhà khoa học để áp dụng các thành tựu mới vào sản xuất. Trong chăn nuôi, anh dùng các sản phẩm chất lượng cao của các công ty có uy tín và ổn định. Việc vệ sinh phòng dịch, anh được sự giúp đơ tận tình của các chuyên gia đầu ngành chăn nuôi như Tiến sĩ Lê Văn Năm và thạc sĩ Nguyễn Lê Văn nên các đợt dịch xảy ra, trang trại của gia đình anh đều tránh được. Anh xây dựng hệ thống bể bioga composite để xử lý và thu hồi ga phát điện sản xuất. Do áp dụng những tiến bộ khoa học từ con giống và thức ăn chăn nuôi, quy trình sản xuất sạch nên sản phẩm sản xuất ra đạt chất lượng cao, dễ tiêu thụ trên thị trường, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm. Tổng doanh thu từ các nguồn của gia đình anh trong năm 2011 đạt trên 16 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận đạt 900 triệu đồng.

Không chỉ biết làm giàu cho gia đình, anh Tuấn còn nhiệt tình giúp đỡ kinh nghiệm cho bà con quanh vùng. Trang trại của gia đình anh là mô hình thực tế cho bà con đến thăm quan, học tập. Anh đã tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và xây dựng trang trại cho bà con các huyện như Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ gồm 15 cuộc hội thảo với hơn 2000 người tham dự. Ngoài ra, anh còn phối hợp với các ban ngành và các nhà tài trợ trong 5 năm tổ chức được 25 buổi chuyển giao KHKT về chăn nuôi cho 1250 lượt người tham gia./.