Ở thôn Hố Vầu, xã Tân Hưng (Lạng Giang - Bắc Giang) có một thương binh mang trong mình hai mảnh đạn nhưng hàng ngày vẫn “chiến đấu” trên “mặt trận” kinh tế. Đầu tư gần 3 tỉ đồng xây dựng trang trại VAC, ông đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng /năm. Ông là trung tá Bùi Văn Thắng.
Từ niềm đam mê...
Dù đã hẹn trước mấy ngày, nhưng khi đến nơi, chúng tôi vẫn phải đi một vòng xung quanh hồ Hố Vầu giữa cái nắng hè oi ả mới tìm được ông chủ trang trại đang mải mê cân lợn bán cho khách là đầu mối cung cấp thịt lợn siêu nạc cho siêu thị. “Các chú thấy đấy, những con lợn hồng hào, béo đẹp là thế nhưng chỉ cần bị muỗi đốt là khách cũng loại ngay”, vừa cân lợn, ông Thắng vừa nói. Tiếng lợn kêu, tiếng hô hào của những vị khách làm huyên náo cả một miền rừng. Đến xế chiều, khi ba chiếc xe tải chở đầy lợn xa khuất sau những vòm cây, chúng tôi mới được “tiếp kiến” ông chủ năng động. Hãm ấm nước vối, ông Thắng kể cho chúng tôi hành trình làm giàu của mình.
Ông Thắng sinh năm 1957 ở Quế Võ (Bắc Ninh). Năm 1975, ông nhập ngũ và được cử đi học lớp quân y. Tốt nghiệp ngành y, ông Thắng về Sư đoàn 3 (Quân khu I). Tại đây, ông đã cùng đồng đội trải qua mưa bom bão đạn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong chiến tranh biên giới, ông bị thương. Hiện, trong cơ thể ông vẫn còn hai mảnh đạn, đều ở những vị trí không thể phẫu thuật nên gần 30 năm qua, ông phải chung sống “hòa bình” với chúng. Những năm về hưu, tưởng vị trung tá ấy sẽ tìm một nơi để an hưởng tuổi già nhưng ông vẫn xông pha trong một “mặt trận” mới, làm VAC. Những kết quả đạt được của ông khiến đồng đội và bạn bè thán phục. Hàng ngày, ông phải “gánh” cả hai vai, vừa bận bịu khám bệnh, điều trị cho người dân ở phòng khám khu vực Bảo Sơn (Lục Nam), vừa quản lý khu trang trại hơn 10ha. Nhiều lúc mệt mỏi tưởng quỵ ngã nhưng ông vẫn không cho phép mình được nghỉ ngơi, kể cả những ngày trời rét căm căm, vẫn đi kiểm tra ao cá, trang trại lợn.
Ông tâm sự, những ngày trong quân ngũ, ông đã ấp ủ dự định khi về hưu sẽ tìm một khu đất để thỏa chí điền viên. Và hồ Hố Vầu là địa điểm lý tưởng bởi sự bình yên và thơ mộng của cảnh vật. Chẳng ai nghĩ, khu đất hoang ấy từ khi có bàn tay của người cựu chiến binh lại sinh lời mỗi năm vài trăm triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động vì trước đó có không ít người thất bại khi đầu tư vào đây.
... Đến mô hình hàng trăm triệu đồng /năm
Đầu năm 1994, khi về tiếp quản khu đất chỉ toàn bãi hoang, đầm lầy, nhiều người nghĩ ông liều. Là bác sĩ quân y, ông Thắng chưa có kiến thức về khuyến nông nên khi bắt tay vào việc, ông gặp vô vàn khó khăn. Để tự tin hơn và giảm thiểu rủi ro, ông lặn lội tìm đến các trại giống, trạm khuyến nông và các lớp học chuyên ngành học hỏi kinh nghiệm. Ông còn mua nhiều sách báo về kỹ thuật nuôi lợn, nuôi cá để nghiên cứu. Chỉ sau một thời gian, những kiến thức, kinh nghiệm của ông ngày một nhiều, giúp ông đủ tự tin để bắt đầu công việc.
Đến thăm khu nuôi lợn của ông Thắng mới thấy hết sự bố trí ngăn nắp, khoa học: Khu dành riêng nuôi lợn nái siêu nạc, khu nuôi lợn con, khu nuôi lợn thịt và khu chăm sóc đặc biệt cho lợn sắp xuất chuồng. Ngoài ra, ông còn đầu tư nhà kho, máy nghiền, trộn cám theo đúng tiêu chuẩn, phù hợp với từng độ tuổi, giai đoạn phát triển của lợn. Tuy nhiên, việc nuôi lợn không hề đơn giản, chỉ lơ là một chút là phải trả giá đắt. Ông Thắng cho biết, đầu năm 2007, khi dịch tai xanh xuất hiện, do chủ quan không tiêm phòng vắc -xin nên đàn lợn bị mắc dịch, khiến ông mất hơn 200 triệu đồng. Qua bài học ấy, ông chỉ đạo kỹ thuật viên, công nhân của trang trại tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho lợn. Đưa tay chỉ đàn lợn “đẹp như tranh”, ông cho biết vừa đầu tư hơn 30 triệu đồng tiêm phòng cho chúng.
Để không đi theo “vết xe đổ” của những chủ nhân trước ở hồ Hố Vầu, ông Thắng quyết tìm ra nguyên nhân thất bại của họ. Những người nuôi cá trước đây thường thả cá xuống cả khu hồ rộng nên rất khó chăm sóc, cá không lớn, hay mắc bệnh. Vì thế, trước khi thả cá, ông cho đắp đập, chia thành từng ô nhỏ. Ông tận dụng phân chuồng làm thức ăn cho các sinh vật phù du, đàn cá lại “chén” sinh vật ấy, tạo thành chuỗi thức ăn liên hoàn. Với các ô chia sẵn, ông nuôi cá giống, cá thịt, từng loại riêng biệt, tránh được tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, lại tiện chăm sóc. Trên bờ, ông trồng các loại cây ăn trái. Ngoài những giống cá truyền thống như trôi, chép, mè, trắm,... ông còn thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá vược (còn gọi là cá chẽm), loại cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Lúc đầu, ông chỉ định thả loài cá phàm ăn này để chúng “dọn” hộ những con cá rô phi giống cũ ăn hại màu trong ao. Nhưng chỉ sau một năm, cá đã đạt trọng lượng 2,5 - 3kg/con. Với hơn 1.000 con, theo giá thị trường 90.000 đồng/kg, ông Thắng “trúng quả” lớn.
Hiện nay, trang trại của ông Thắng đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng/năm nhờ cá và lợn. “Nếu giữ tốc độ tăng trưởng như thế này và thị trường không có biến động lớn thì chỉ hai năm nữa, tôi sẽ trả hết vốn lẫn lãi cho ngân hàng” - ông Thắng nói. Được biết, đến nay, ông đã đầu tư vào khu trang trại gần 3 tỉ đồng. Không chỉ dừng lại ở những thành quả trên, ông còn dự kiến tiếp tục mở rộng quy mô, tiến hành ươm trồng, sản xuất cây cảnh và chuyển trang trại thành khu du lịch sinh thái.