00:00 Số lượt truy cập: 2997813

Tranh mua mía nguyên liệu đẩy giá tăng cao 

Được đăng : 03/11/2016
Khác với mọi năm, Đồng bằng sông Cửu Long đang xảy ra tình trạng thương lái tranh mua mía nguyên liệu vào thời điểm đầu vụ, khiến giá mía cây bị đẩy lên cao.

Hiện mía từ 7-8 chữ đường được bán ra với giá từ 650.000-670.000đồng/tấn và mía 9-10 chữ đường lên tới 780.000 đồng/tấn, cao gần gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2008.

 

Nguyên nhân do các nhà máy đường tại Hậu Giang, Sóc Trăng tranh thủ thời điểm đường trên thị trường đang tăng giá nên quyết định hoạt động sớm hơn mọi năm để bán sản phẩm, kiếm thêm lợi nhuận.

 

Mặt khác, do vùng mía nguyên liệu tại 2 tỉnh trong niên vụ 2009-2010 chỉ còn 26.000ha, giảm hơn năm 2008 gần 4.000ha nên chắc chắn sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng hơn niên vụ mía 2008-2009.

 

Niên vụ mía 2008-2009, sản lượng toàn vùng đạt trên 4,6 triệu tấn, nhiều hơn niên vụ 2009-2010 tới 0,8 triệu tấn. Nhưng đến thời điểm cuối vụ (đầu năm 2009), khi nguồn mía nguyên liệu chỉ còn vài ngàn tấn, đã diễn ra tranh mua mía nguyên liệu tại các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Long An, đẩy giá mía cây lên tới 700.000 đồng/tấn, gấp đôi giá sàn.

 

Niên vụ mía 2009-2010, diện tích trồng mía tại Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn 52.500ha, giảm 12.500ha so với niên vụ 2008-2009. Dự kiến sản lượng mía trong niên vụ 2009-2010 đạt khoảng 3,8 triệu tấn, chỉ đủ cho 10 nhà máy đường trong vùng (tổng công suất 23.000 tấn/ngày) hoạt động trong thời gian 165 ngày trong năm, ít hơn niên vụ 2008-2009 là 35 ngày.

 

Do vậy, theo dự đoán của các chuyên gia, tình trạng tranh mua mía nguyên liệu niên vụ 2009-2010 sẽ khó tránh khỏi, nhưng sẽ diễn ra trong thời điểm cuối vụ (tức là đầu năm 2010). Nhưng thực tế cho thấy ngay từ đầu vụ thu hoạch đã xảy ra tình trạng trên.

 

Theo các chuyên gia, với giá mua mía nguyên liệu quá cao như vừa nêu, lợi nhuận của các nhà máy đường sẽ không cao như mong muốn; đồng thời còn tái diễn tình trạng cũ là “mạnh ai nấy làm” dẫn đến căng thẳng trong mua mía nguyên liệu và không kiểm soát được giá.

 

Từ giữa năm 2007, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các địa phương có diện tích mía lớn tại Đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với các công ty mía đường phân chia vùng nguyên liệu cụ thể theo nguyên tắc ưu tiên cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy đường thuộc tỉnh.

 

Các nhà máy còn lại sẽ tự cân đối nhu cầu về nguyên liệu, đăng ký với Ủy ban Nhân dân các tỉnh có vùng mía chung (Hậu Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh) để các tỉnh phân bổ diện tích mía nguyên liệu cụ thể cho các công ty mua.

 

Bộ cũng chỉ đạo các tỉnh tổ chức lại hệ thống thương lái mua mía cho từng nhà máy; giám sát chặt việc mua mía nguyên liệu; ngăn chặn tình trạng thu mua mía ngoài luồng.