Ðợt rét đậm, rét hại kéo dài từ giữa tháng 1-2008 đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất vụ đông xuân các tỉnh miền bắc. Theo thông tin bước đầu có khoảng gần 50 nghìn ha lúa và hơn 5 nghìn ha mạ bị chết do rét. Nhiều diện tích rau màu, cây công nghiệp cũng bị thiệt hại.
Ðể khắc phục thiệt hại do rét đậm, bảo đảm kế hoạch sản xuất lúa vụ đông xuân 2007 - 2008, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và miền núi phía bắc khẩn trương chỉ đạo triển khai một số nội dung sau đây:
1. Mục tiêu chỉ đạo chung
- Khắc phục diện tích lúa đã cấy bị thiệt hại do rét.
- Tích cực chống rét cho diện tích mạ đã gieo.
- Chuẩn bị đủ giống để gieo mạ khi qua đợt rét hại và cấy trong khung thời vụ của vụ xuân muộn.
- Ðối với trường hợp phải gieo mạ lại, cấy lại, địa phương xem xét việc hỗ trợ cho nông dân, nhất là lúa giống.
Kiên quyết không để tình trạng bỏ ruộng hoang trong vụ xuân do lúa chết rét, hoặc thiếu mạ, lúa giống.
2. Chỉ đạo triển khai các biện pháp kỹ thuật
- Tổ chức kiểm tra, rà soát, thống kê ngay diện tích lúa, mạ bị thiệt hại để có các biện pháp xử lý phù hợp.
- Ðối với mạ đã gieo
Tiếp tục chăm sóc, bảo vệ và chống rét cho mạ bằng các biện pháp che phủ ni-lông đúng kỹ thuật, giữ nước nông cho lúa; khi trời ấm trở lại thì phun phân bón lá cho mạ phục hồi, ra rễ trắng mới xúc cấy; ưu tiên mạ cao cây gieo trước, cấy xuống chân ruộng trũng để thu hoạch trước lũ tiểu mãn.
- Từng địa phương cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn trong sản xuất do rét hại.
- Chỉ đạo các cơ quan dịch vụ kỹ thuật chuẩn bị đủ lượng giống, phân bón bảo đảm chất lượng cung ứng kịp thời cho nông dân, ngăn chặn tình trạng lợi dụng khó khăn để nâng giá hoặc bán hàng kém chất lượng. Chỉ đạo hệ thống thủy nông bảo đảm đủ nước cấy và dưỡng lúa.
- Phân công các đoàn công tác tăng cường về cơ sở trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả do rét hại, khôi phục sản xuất. Chỉ đạo hệ thống khuyến nông phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương thường xuyên thông báo tình hình thời tiết và hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp, có hiệu quả cao.
Thời tiết trong những ngày tới còn diễn biến phức tạp, yêu cầu các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất để có phương án xử lý kịp thời và thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Trồng trọt.
Trong cuộc họp khẩn cấp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triệu tập sáng 13-2, báo cáo của các cơ quan chức năng cho thấy, trong 40 ngày qua, vùng miền núi phía bắc có 25 ngày nhiệt độ trung bình dưới 13oC, vùng đồng bằng sông Hồng có 19 ngày, vùng Bắc Trung Bộ có 10 ngày.
Thời điểm này, vùng Bắc Trung Bộ đã cấy hơn 70% diện tích, vùng miền núi phía bắc cấy hơn 50% và vùng đồng bằng sông Hồng cấy được 15%, gieo mạ 80% diện tích. Vì vậy, hầu hết những tỉnh có tiến độ cấy nhanh đều bị thiệt hại nặng nề như Thanh Hóa chết hơn 10.300 ha lúa, Nghệ An 10.460 ha, Thái Bình 10.000 ha, Hải Dương, Hải Phòng, Phú Thọ đều có 7.000 ha lúa chết. Mặc dù Cục Trồng trọt, Cục Thủy lợi và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh đã có nhiều văn bản, công điện, tổ chức nhiều đoàn công tác chỉ đạo lấy nước, gieo mạ nhưng theo Cục Trồng trọt, hầu hết những diện tích cấy và gieo mạ trong khoảng 10 ngày trước Tết Âm lịch bị ảnh hưởng nặng nhất, chủ yếu là các giống lúa thuần kém chịu rét, do chân ruộng thiếu nước ủ ấm và do nhiều địa phương lơ là, không thực hiện triệt để việc gieo mạ che phủ ni-lông, hoặc bón lót nhiều phân đạm.
Như vậy, có thể thấy thiệt hại do đợt rét đậm kéo dài vừa qua gây ra đối với sản xuất nông nghiệp không hoàn toàn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mà một phần do công tác chỉ đạo của chính quyền cơ sở và các cơ quan quản lý Nhà nước chưa sâu sát, quyết liệt.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn T.Ư, đợt rét đậm hiện nay còn tiếp tục kéo dài trong năm, sáu ngày tới, tiếp tục làm chậm lịch thời vụ và gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất. Chính vì vậy, Cục trưởng Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục một phần hậu quả và bảo đảm lịch thời vụ gieo cấy.
Theo đó, đối với ngành nông nghiệp các địa phương, việc cần làm lúc này là rà soát, thống kê, phân loại diện tích lúa, mạ bị chết hơn 50% số khóm để gieo bổ sung bằng giống lúa lai, hoặc lúa thuần ngắn ngày như TH3-3, Việt lai 20, Q. ưu 1, D. ưu 527, Khang dân 18, Q5... Huy động tổng lực nguồn giống hiện có của các công ty, xúc tiến nhập khẩu giống lúa lai ngắn ngày, đồng thời hướng dẫn, khuyến cáo nông dân xử lý giống bằng nước nóng, dùng chất diệt nấm để bảo đảm tỷ lệ hạt nảy mầm cao và có sức sống khỏe. Chỉ đạo nông dân gieo mạ sân, mạ khay và thực hiện triệt để việc che phủ ni-lông, khuyến khích việc dùng bóng điện (dây tóc nóng) sưởi ấm mạ, không bón lót, bón thúc đạm cho mạ khi nhiệt độ dưới 15 độ C.
Ðối với thời vụ và kỹ thuật gieo cấy, tập trung làm đất kỹ, bón lót sớm để ruộng sẵn sàng chờ mạ. Những vùng chủ động tưới chuẩn bị giống tốt, cày bừa kỹ để có thể gieo thẳng cho kịp lịch thời vụ. Ðối với những diện tích chân vàn cao không chủ động nước, khuyến khích nông dân chuyển sang trồng ngô, đậu tương.
Ðối với rau màu vụ đông bị chết 50% diện tích, cần khẩn trương làm đất để gieo trồng lại khi thời tiết ấm, chuẩn bị nguồn nước tưới ẩm và phân bón lá để cây phục hồi sinh trưởng. Các tỉnh miền núi cũng cần rà soát, kiểm tra và có kế hoạch chăm sóc cho diện tích cà-phê, mía, cây ăn quả bị ảnh hưởng trong đợt rét vừa qua.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát, sau vài ngày nữa, thời tiết ấm dần, là thời điểm tốt để gieo mạ. Cần phải làm tốt khâu này mới có thể bảo đảm lịch thời vụ gieo cấy. Vì vậy, bộ đề nghị thành lập nhanh bốn đoàn công tác đi các địa phương chỉ đạo công tác lấy nước, gieo mạ để vùng đồng bằng sông Hồng có thể tập trung nhân lực, đồng loạt cấy từ khoảng 25-2 đến 15-3. Vùng Bắc Trung Bộ kết thúc cấy trong tháng 2. Các tỉnh miền núi có thể muộn hơn.
Theo Tiến sĩ Tống Khiêm, Giám đốc Trung tâm khuyến nông Quốc gia, thiệt hại bước đầu do đợt rét đậm vừa qua mặc dù đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, nhưng các địa phương và nông dân không nên quá lo lắng. Kinh nghiệm cho thấy cây mạ sinh trưởng trong thời tiết lạnh sẽ hạn chế sâu bệnh và thường cho năng suất cao. Chính vì vậy, việc cần làm lúc này là chuẩn bị thật tốt điều kiện về nước và áp dụng chặt chẽ quy trình gieo mạ để có thể gieo cấy đồng loạt trong khung thời vụ cho phép. Tiến sĩ Khiêm khẳng định: "Nếu chuẩn bị tốt các điều kiện trên, khi thời tiết ấm lên, trong 10 đến 15 ngày là nông dân cơ bản cấy xong, vấn đề chính là các địa phương sẽ thực hiện thế nào".
Ðể bảo đảm đủ nước cho đổ ải, gieo cấy lúa đông xuân ở các tỉnh thuộc đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam đã phối hợp Cục Thủy lợi thực hiện hai đợt xả nước từ các hồ chứa Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang. Ðợt 1 từ ngày 19 đến 26-1, Tổng lượng nước xả của đợt này là 1,485 tỷ m3 nước, bảo đảm mức nước sông Hồng tại Hà Nội từ 2,3 m trở lên. Ðợt hai từ ngày 1 đến 7-2, tổng lượng nước xả của đợt hai là 631 triệu m3, giữ mức nước sông Hồng tại Hà Nội cao hơn 2,3 m.
Nhờ hai đợt xả của các hồ chứa thủy điện, mức nước hạ lưu sông Hồng dâng cao, các địa phương đã tập trung lấy nước nhanh. Tổng diện tích đã có nước ở đồng bằng, trung du Bắc Bộ là 490.530 ha trên tổng số 629.620 ha gieo cấy, đạt 80%. Hầu hết các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng đã căn bản đủ nước gieo cấy. Nhưng do rét đậm, rét hại kéo dài không thể gieo cấy, cho nên hầu hết diện tích đã có nước chưa làm được đất. Lượng nước đã lấy vừa thấm vừa bốc hơi, cần được bổ sung khi làm đất gieo cấy khi trời ấm. Ðây là những khó khăn cho việc tiếp tục xả nước ở các hồ chứa thủy điện, vì sau hai đợt xả vừa qua, đến nay, mức nước hồ Hòa Bình đã xuống cao trình 109,1 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2007 là 2,1 m, Thác Bà 51,83 m, thấp hơn năm 2007 là 3,2 m, trong khi các nhà máy thủy điện này phải bảo đảm nguồn điện trong tháng cuối mùa khô cho khu vực phía bắc.