00:00 Số lượt truy cập: 3048815

Triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016
Trước tình trạng thiên tai, dịch bệnh và biến động giá vật tư ồ ạt tấn công sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương, Bộ NNPTNT ngày 27.3 triệu tập cuộc họp nhằm triển khai các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn.

Ngoài con số thiệt hại 200.000ha lúa, 18.000ha mạ và 35.000ha rau màu, đợt rét đậm vừa qua còn làm đảo lộn cơ cấu giống và thời vụ gieo cấy lúa đông xuân tại các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - ông Phan Huy Thông - lo lắng, việc phải giảm diện tích gieo trồng trên 11.000ha có thể khiến sản lượng lúa tại vùng ĐB sông Hồng giảm khoảng 100.000 tấn so với vụ trước và có thể giảm nhiều hơn nếu gặp thời tiết bất lợi.

Còn tại các tỉnh miền Nam, các thống kê sơ bộ đến nay cho thấy có ít nhất khoảng 210.000ha lúa bị ảnh hưởng với dịch bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá do rầy nâu gây hại gây ra.

Trong lúc đó, Cục Thuỷ lợi cảnh báo tình hình hạn hán đang có những diễn biến phức tạp khiến mực nước tại các hồ thuỷ điện miền Bắc đang thấp hơn 2-4m so với cùng thời điểm năm 2007 dẫn đến nguy cơ thiếu nước tưới tăng cao nếu các địa phương không điều tiết hợp lý.

Sau rét và dịch bệnh, thiếu giống đang là khó khăn lớn nhất đối với công tác khôi phục sản xuất của ngành chăn nuôi hiện nay.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - ông Hoàng Kim Giao ước tính, riêng đợt dịch bệnh tai xanh trên lợn trong thời gian qua làm chết 536.000 con lợn nái vốn có thể sản sinh 4-5 triệu lợn thịt trong lúc đàn nái còn lại bị suy giảm nghiêm trọng khả năng sinh sản.

Cộng thêm vào đó là các trận bão liên tiếp đổ bộ vào miền Trung cuối năm 2007 khiến nhiều địa phương không thể phát triển chăn nuôi trở lại. Còn tại các tỉnh miền núi phía bắc, việc khắc phục hậu quả chăn nuôi sau rét với tổng thiệt hại lên tới 637 tỉ đồng không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Đương đầu với những khó khăn trên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT - ông Cao Đức Phát cho rằng, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp phải ưu tiên các biện pháp duy trì và tăng sản lượng các loại nông sản nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Sâu xa hơn theo ông Cao Đức Phát, việc các loại thực phẩm tăng giá quá cao có một phần nguyên nhân do tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi chỉ đạt 4,6%, quá thấp so với nhu cầu tiêu dùng vốn tăng tới 7-8%. Do đó, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương cấp bách khôi phục phát triển chăn nuôi thông qua việc tăng cường nguồn giống, giải quyết khó khăn về thức ăn chăn nuôi và thúc đẩy sản xuất các loại cây làm thức ăn trong nước.

Theo phân tích của Cục phó Hoàng Kim Giao, công tác khôi phục ngành chăn nuôi sau các đợt dịch bệnh, thiên tai cần kết hợp với việc rà soát quy hoạch chăn nuôi theo hướng phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô trang trại với thời hạn giao đất tới 30-50 năm.