00:00 Số lượt truy cập: 2638460

Triển vọng mới từ mô hình: Dưa hấu leo giàn 

Được đăng : 03/11/2016
Mới đây nông dân trồng dưa có nghề ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thử nghiệm trồng dưa hấu leo giàn đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, kỹ thuật mới này thích hợp cho những nông dân trồng dưa có ít đất, nhưng vẫn đạt năng suất và chất lượng vượt trội.

Hiệu quả vượt trội

Lần đầu tiên hàng trăm nông dân trồng dưa hấu quanh xã Phú Cường kéo tới xem và bày tỏ sự thán phục cách trồng dưa hấu trái to treo đầy giàn của nông dân Nguyễn Văn Tùng ở ấp 5B. Hơn 10 năm qua, anh Tùng là một trong số hàng trăm nông dân giỏi nghề trồng dưa hấu. Anh thử trồng dưa ứng dụng kỹ thuật ghép bầu và cho leo giàn. So sánh với cách trồng cũ, năng suất, chất lượng trái đều vượt trội.

Anh Tùng bên ruộng dưa hấu leo giàn chuẩn bị thu hoạch.

Anh Tùng kể: "Trên 3 công đất ruộng sau nhà, sau vụ lúa hè thu, tôi chia ra một phần đất khoảng 630 m2 lên liếp, làm đất để trồng 1.900 cây dưa hấu không hạt - giống Mặt Trời Đỏ. Phần lớn diện tích đất còn lại tôi trồng dưa hấu theo cách cũ như trước đây để đối chứng...". Dưa hấu trồng sau hơn 60 ngày đến kỳ thu hoạch. Dây dưa leo trên giàn trông lạ và đẹp mắt. Trái dưa tròn đều nằm gọn trên giàn. "Thương lái ưng ý lắm vì dưa trái to, tròn đều, sáng đẹp. Tỷ lệ trái đạt loại I từ 70% trở lên, tăng hơn 10% so trồng theo cách cũ"- anh Tùng khoe.

Theo anh Tùng, trồng giống dưa hấu không hạt leo giàn, dây dưa có sức sinh trưởng khỏe, dễ đậu trái. Trọng lượng trung bình 4-6 kg/trái. Trái phát triển tốt có thể đạt kích cỡ lớn nhất 7-8 kg, thịt chắc, màu sắc đỏ đẹp, ngọt, thị trường tiêu thụ có giá. Hơn nữa, trồng dưa hấu cho dây leo và trái treo trên giàn dễ kiểm soát, phòng trị sâu bệnh, phun thuốc sâu ít thất thoát nên giảm chi phí sản xuất. "Vào mùa mưa, nếu mưa dầm dài ngày, dưa hấu leo giàn vẫn an toàn không lo bị ngập úng. Với cùng số lượng cây, trồng một công dưa leo giàn tính ra bằng 3 công dưa trải rộng trên mặt đất nên tiết kiệm chi phí bơm nước chống ngập úng. Mặt khác, trên liếp đất, dây dưa được đậy lên màng phủ và toàn bộ dây và trái dưa đều nằm trên giàn nên ít bị ảnh hưởng mầm bệnh từ dưới đất", anh Tùng nói.

Trên cùng diện tích đất một công (1.000 m2), nếu trồng theo cách cũ là 1.000 dây, còn trồng dưa trên giàn sẽ được 2.800 dây. Tính theo năng suất 1 dây cho 1 trái, trồng dưa leo giàn năng suất tăng gấp 2,8 lần.

Triển vọng kỹ thuật mới

Theo nông dân xã Phú Cường, vùng đất rộng tiếp giáp Đồng Tháp Mười là xứ ruộng lúa, rẫy dưa tươi tốt quanh năm. Nhiều năm qua, mô hình luân canh lúa-dưa hấu đã định hình, hiệu quả cao. Sau vụ lúa đông xuân, nối tiếp là mùa dưa hấu và thậm chí một số hộ trồng dưa chuyên canh quanh năm. Từ đó dưa hấu Phú Cường dần dần nổi tiếng. Thương lái thuê xe tải về thu mua, chở đi tiêu thụ khắp các chợ lớn, ,nhỏ trong cả nước.

Mô hình trồng dưa hấu leo giàn của anh Nguyễn Văn Tùng ở ấp 5B được nhiều nông dân quanh vùng đến tham quan, học hỏi cách chăm sóc. Anh Tùng chia sẻ: Trồng dưa hấu tháp bầu, leo giàn, đầu tiên là gieo hạt trong bầu như cách trồng dưa cho bò dưới đất. Tuy nhiên, do mật độ trồng tăng gần gấp đôi nên lượng hạt giống cũng tăng tương tự. Lên liếp đất và sau khi đặt cây con xuống vài ngày thì bắt đầu làm giàn chuẩn bị cho dây dưa bò lên. Dự phòng trái dưa đến kỳ thu hoạch, mỗi trái nặng khoảng 4-5 kg nên làm giàn phải đảm bảo chắc chắn. Thông thường nên chọn cây tràm làm trụ vì cây tràm giá rẻ nhưng chắc, có thể sử dụng được nhiều mùa dưa sau này, tiết kiệm chi phí.

Theo hướng dẫn, cây tràm cưa ra khoảng 2,5m làm cột, cắm xuống đất xiên góc 30 độ để dây dưa hấp thụ được nắng nhiều hơn, giúp dây và trái phát triển tốt. Mỗi cây tràm cách nhau 2m, cao khoảng 1,5 m và treo lớp lưới nilon lên giàn để sau này dưa ra trái treo trên đó. Làm giàn xong kéo 2 sợi dây gân nhỏ chạy dài, từ phía dưới đất lên cách 1 tấc 2 dây. Khi dây dưa ra đọt cho bò lên giữa 2 dây gân để giữ đọt dưa cứng và thẳng hàng. Đến khi dưa ra 4-5 lá thì bấm đọt để cây cho ra 2 dây chèo. Chú ý khi dưa bắt đầu leo giàn nên thường xuyên sửa dây bò đúng hướng.

Xã Phú Cường, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) có 3.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2000 đến nay, diện tích trồng dưa hấu tăng lên 300 ha, hiệu quả gấp 2-3 lần trồng lúa. Hơn 200 hộ trồng dưa hấu đang áp dụng mô hình luân canh: 2 lúa - 1 dưa hoặc 1 lúa - 1 dưa - 1 màu. Với giải pháp kỹ thuật mới là bước đột phá giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông phẩm và tăng thu nhập cho nông dân, nhất là những nông dân ít đất hoặc phải thuê đất sản xuất.

Anh Võ Thanh Tuấn, Trưởng Phòng rau màu Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết: Hiện nay ở ĐBSCL có nhiều địa phương có đất trồng dưa hấu thích hợp. Vùng đất giống cát Bến Tre, Trà Vinh; các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bạc Liêu… Một số địa phương trồng dưa luân canh, nhất là vào dịp trước Tết Nguyên đán. Riêng ở Long An, Tiền Giang, nông dân trồng dưa giỏi kỹ thuật thâm canh, đạt năng suất, chất lượng cao; tiêu thụ nội địa và bước đầu xuất khẩu sang một số nước trong khu vực.