00:00 Số lượt truy cập: 2669309

Triển vọng từ mô hình nuôi thỏ ở Ba Bể (Bắc Kạn) 

Được đăng : 03/11/2016
Năm 2013, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ quy mô nông hộ. Mô hình do Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất thực phẩm Hà Nội làm chủ đầu tư trên cơ sở hỗ trợ của dự án 3PAD tỉnh Bắc Kạn, đến nay, mô hình đã thu được nhiều kết quả.

 

Ông Lục Văn Đuông, thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương kiểm tra những con thỏ của gia đình

Phân định trách nhiệm giữa các bên ngay từ ban đầu

Trên cơ sở hợp đồng thỏa thuận sản xuất, bao tiêu sản phẩm, mô hình chăn nuôi thỏ theo hướng hàng hóa do Chủ đầu tư trực tiếp cung cấp con giống, các hộ dân tổ chức chăn nuôi trên cơ sở hướng dẫn khoa học kỹ thuật, thú y từ phía chủ đầu tư, chủ đầu tư có trách nhiệm thu mua thỏ thương phẩm đạt tiêu chuẩn từ đàn giống đã cấp cho các hộ trong và sau khi triển khai dự án.

Cụ thể, phía công ty hỗ trợ khoa học kỹ thuật, thuốc thú y, dịch tễ về thỏ; hỗ trợ 50% chi phí mua giống thỏ; hỗ trợ giống cỏ để trồng làm thức ăn chăn nuôi thỏ; hỗ trợ bao tiêu 100% sản phẩm đầu ra. Đối với các hộ dân trong vùng dự án tham gia thực hiện mô hình, đầu tư lồng, chuồng, đất trồng cây thức ăn hoặc tìm kiếm nguồn thức ăn cho thỏ; chi trả 50% chi phí mua con giống và có trách nhiệm chăn nuôi thỏ… Từ các điều kiện hợp đồng thỏa thuận nói trên, dự án đã đi vào triển khai trong năm 2013, tại huyện Ba Bể, trong giai đoạn 1, Công ty cổ phần Thương mại và sản xuất thực phẩm Hà Nội đã thực hiện cấp cho bà con ở các xã Yến Dương, Chu Hương, Nam Mẫu, Mỹ Phương bình quân mỗi hộ 10 con thỏ Newzealand White giống, trong đó có 8 con thỏ cái và 2 thỏ đực.

Đến nay, mô hình đã được tổ chức hội thảo để đánh giá kết quả, trách nhiệm thực hiện giữa các bên làm cơ sở cho việc mở rộng mô hình trong các giai đoạn tiếp theo. Ttheo tính toán của công ty, đến tháng 6/2014, phần lớn thỏ thương phẩm đạt tiêu chuẩn trọng lượng từ 2,3kg trở lên, tương đương 3,5 – 4 tháng nuôi. Đến nay, Công ty đã thực hiện thu mua đợt 1 cho các hộ tham gia nuôi ở xã Yến Dương với giá 80.000đ/kg (tại thời điểm ký kết hợp đồng, giá thu mua là 65.000-70.000 đ/kg), các hộ tham gia thực hiện mô hình chăn nuôi thỏ bước đầu đã có thu nhập ở mức bình quân từ 2,5 - 5 triệu đồng từ lứa thỏ được công ty cấp phát trong giai đoạn 1.

Kết quả và nguyện vọng của người dân

Ông Lục Văn Đuông, một người dân tham gia nuôi thỏ đem lại hiệu quả tốt ở thôn Nà Ngò, xã Mỹ Phương cho biết: “Theo kết quả thực tế, nếu chăm sóc tốt, mỗi tháng thỏ cái sẽ sinh sản 1 lần. Mỗi lần sinh từ 6-8 con. Giá thu mua thỏ của công ty thực phẩm đã thu mua lần 1 với giá 80.000đ/kg thỏ hơi. Từ các loại cỏ giống cho thỏ được công ty hỗ trợ, hiện nay, riêng gia đình ông Đuông đã nhân rộng trồng cỏ gilê và cây chè khổng lồ được khoảng trên 3 nghìn mét vuông. Từ 10 con thỏ giống, đến nay đàn thỏ của gia đình đã tăng lên trên 140 con. Ông Đuông cho biết thêm: Chúng tôi rất yên tâm với việc tham gia thực hiện mô hình nuôi thỏ hướng phát triển hàng hóa này. Thỏ cái đến kỳ sinh sản đều, triển vọng rất tốt. Tuy việc chăn nuôi thỏ không khó khăn nhưng phải chu đáo, nghiêm ngặt từ việc theo dõi thức ăn, đến vệ sinh phòng bệnh. So với nuôi lợn, trâu, bò thì đỡ vất vả hơn nhiều, thu nhập khá cao, không lo tiêu thụ, giá cả ổn định, hợp đồng triển khai thực hiện bài bản, khép kín, từ khâu tập huấn, cung cấp giống, theo dõi chăm sóc, bao tiêu toàn bộ sản phẩm… cho nên chúng tôi rất yên tâm, hiện nay gia đình tôi chủ yếu tập trung vào việc phát triển chăn nuôi đàn thỏ và mong muốn dự án tiếp tục giúp đỡ, triển khai mở rộng chăn nuôi, xây dựng được xưởng sơ chế, bảo quản sản phẩm thịt thỏ tại Bắc Kạn như mục tiêu, kế hoạch của dự án”.

Giống cỏ gile và chè khổng lồ làm thức ăn cho việc nuôi thỏ được người dân xã Mỹ Phương trồng đang phát triển tốt.

Ông Lý Văn Tiều, cũng là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi thỏ có hiệu quả ở thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương chia sẻ: “Hướng nuôi thỏ như thế này có nhiều thuận lợi, nguồn thức ăn cho thỏ ở vùng cao nông thôn rất phong phú, dễ kiếm như dây lang, lá sắn, cây lá tự nhiên. Mặt khác, so với nhiều hình thức chăn nuôi khác, chuồng trại nuôi thỏ khá đơn giản, không tốn nhiều diện tích, chi phí đầu tư không lớn, phù hợp với tập quán chăn nuôi của người dân”. Bên cạnh những hộ điển hình nói trên, nhiều người dân trong vùng triển khai mô hình cũng khẳng định, sau một thời gian triển khai cho thấy, chăn nuôi thỏ theo hướng phát triển hàng hóa là một hướng đi mới có nhiều triển vọng, phù hợp với điều kiện, khí hậu của địa phương, cần được quan tâm phát triển hơn nữa...

Trong thời gian tới, dự án tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi thỏ nhằm tăng dần số hộ hưởng lợi tối thiểu từ 150 hộ (năm 2013) lên 400 hộ (năm 2014) và sẽ duy trì số hộ này qua các năm tiếp theo, tạo dựng được vùng nguyên liệu thỏ ổn định, đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng nhà xưởng sơ chế sản phẩm thịt thỏ tại Bắc Kạn… Có thể nói, mô hình nuôi thỏ đã giúp người dân huyện Ba Bể có một hướng phát triển kinh tế mới, góp phần giảm nghèo bền vững./.

Tùng Vân