00:00 Số lượt truy cập: 2994776

Triệu phú hồng môn 

Được đăng : 03/11/2016
Giữa nhiều loài hoa đặc trưng Đà Lạt, ông Phạm Công Nam, số 81C Vạn Thành, phường 5, Đà Lạt đã chọn canh tác cây hồng môn Tropical. Trên diện tích 4 sào nhà lưới, ông Nam có gần 11 ngàn gốc hồng môn 3 năm tuổi đang độ sung sức. Và vườn hồng môn đã mang lại cho ông thu nhập bạc triệu, đồng thời giữ cho môi trường quanh nhà trong lành.


Ông Nam bên mô hình thử nghiệm

Gặp ông Phạm Công Nam giữa vườn hồng môn mới thấy công sức thật sự người nông dân đã bỏ ra để có một vườn hoa quy mô lớn. Vườn nằm trên sườn đồi dốc, phía dưới là thung rất sâu. Chính bởi vậy, ông Nam phải giật cấp vườn thành những mảnh nhỏ nằm theo kiểu bậc thang khiến việc đi lại càng khó khăn hơn, chưa kể tới việc vận chuyển phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay máy móc làm vườn. Để khắc phục trở ngại, ông Nam đã đầu tư một hệ thống máng trượt quy mô với tải trọng trên 1 tấn, máng được vận hành bằng điện. Ngoài ra, trên cả 4 sào nhà kính đều trang bị hệ thống tưới, phun phân, thuốc hoàn toàn tự động. Ông Nam cho hay: “Riêng việc đầu tư 4 sào nhà lưới với hệ thống tưới, bón phân đã mất 800 triệu đồng, hệ thống máng trượt được đầu tư 70 triệu đồng cách đây mấy năm. Sau khi trải qua trồng nhiều loại hoa như lys, lan, tôi dừng lại với hồng môn và đánh giá đây là loài cây phù hợp với gia đình”.

Vườn hồng môn của ông thuần giống tropical hay huyết môn, là giống hồng môn cho hoa đỏ tươi, được thị trường ưa chuộng. Ông Nam trồng hồng môn rất kỳ công với giá thể trồng hoa làm từ trấu đốt tồn tính, xơ dừa, phân dê ủ hoai trộn đều. Ông khẳng định: “Hồng môn ưa giá thể từ trấu đốt vì tơi, xốp và có chất kiềm, giúp hoa lên màu đỏ đẹp. Ngoài ra phải chú ý đặc biệt là hồng môn không ưa phân hoá học, nếu sử dụng phân hoá học cây sẽ vàng lá. Cây chỉ ăn phân hữu cơ, mỗi năm tôi cũng thêm giá thể bổ sung trấu, phân dê cho cây một lần vì rễ hồng môn ăn lên, nếu không bổ sung cây sẽ yếu và không hút được dưỡng chất”. Bởi vậy, hàng năm gia đình ông đốt tới 500 bao trấu để dùng bón cho cây với kỹ thuật đốt âm ỉ từ 24-36 giờ/mẻ, đảm bảo trấu đốt chín kỹ nhưng không hoá than. Lưới dùng cho hồng môn ông cũng sử dụng loại 70% sáng vì theo thử nghiệm nhiều lần của ông, nếu trồng trong nhà kính bông ra nhỏ cọng, thân yếu và màu kém tươi. Năng suất trên 4 sào hồng môn trung bình một tháng 25 thiên (25 ngàn bông), giá bán trung bình 5 ngàn đồng/bông.

Từ năng suất, đầu tư trên, ông Nam cho hay thu nhập trung bình một tháng từ hồng môn là 30 triệu đồng. Thu nhập này là chưa cao so với trồng nhiều loài hoa khác nhưng ông Nam vẫn chọn trồng hồng môn vì theo ông: “Hồng môn trồng rất nhàn, chỉ 3 người gia đình tôi là đủ chăm sóc và thu hoạch, chỉ thuê thêm người vào dịp bỏ phân. Hồng môn lại ít bệnh nên rất ít khi phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, môi trường rất trong lành so với nhiều loại hoa khác. Ngoài ra, trồng hồng môn chăm sóc tốt có thể thu được tới 10,12 năm nên tôi đánh giá đây là loại bông có tính bền vững”. Gia đình ông Nam cũng là nông dân tiến bộ khi biết đánh giá thị hiếu của khách hàng để điều chỉnh chất lượng bông. Theo đó, thị trường Hà Nội ưa chuộng bông loại 1, cánh lớn, đợt nào thị trường này “ăn” bông mạnh ông sẽ điều chỉnh để bông ra lớn. Còn thị trường phía Nam thích bông loại 2, cánh vừa nhưng cần cứng cành, dày cánh, ông “hãm” cây để lượng bông loại 2 nhiều hơn. Chính vì vậy, hồng môn của gia đình ông được ưa chuộng và chưa bao giờ rớt giá trên thị trường. Ông khẳng định: “Tôi trồng hoa theo tiêu chí dưỡng cây lâu dài, sử dụng ít phân thuốc, không thúc năng suất quá cao để cây có thời gian hồi phục. Điều này cũng giúp bông cứng mạnh, các vựa hoa có thể để lâu mà bông không hỏng, giúp ích cho cả người trồng, người bán và người chơi hoa”.

Cũng chính từ kỹ thuật chăm sóc hồng môn của ông, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp đã chọn vườn ông để thử nghiệm kỹ thuật trồng hồng môn tối ưu nhất đối chứng với kỹ thuật canh tác ông đang áp dụng. Ông Nam xác định tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật để góp phần thành công cho mô hình, rút ra kinh nghiệm cho chính ông và cho những người trồng hồng môn khác để phát triển loài hoa đặc sắc này.