Anh Bảy Nghĩa tự hào bên những cây mãng cầu xiêm cho trái to, dài trĩu cành.
Hôm tôi đến, anh Bảy Nghĩa vừa thu hoạch trái mãng cầu xiêm bán cho thương lái được 10 triệu đồng, giá 25.000 đồng/kg. Cùng đến tham quan vườn mãng cầu của anh Bảy Nghĩa, ông Lê Văn Em - Trưởng ấp cho biết, cuối năm 2010, vùng đất này được ngọt hóa, nhiều hộ dân lại đốn cây dừa để nuôi tôm biển. Đọc báo, xem đài thấy đề cập đến tác hại của việc phá vỡ quy hoạch ngọt hóa của người dân ở Cà Mau, anh liên tưởng đến việc những hộ dân lân cận đốn cây dừa, đào ao nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa. Anh Bảy Nghĩa cương quyết không chạy theo việc nuôi tôm biển vì quá rõ hậu quả của nó. Cũng chặt 8 công dừa đang sắp cho trái lứa đầu nhưng thay vì đào ao thì anh Nghĩa đã xẻ rãnh, lên liếp trồng bình bát - một loại cây từ lâu đã không có tích sự gì. Cảm thấy lạ nên tất cả mọi người ở đây ai cũng chú ý đến mô hình của anh ngay từ đầu. Anh áp dụng cách ghép mãng cầu xiêm trên gốc bình bát học được ở huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) trên phần đất của mình với lý do đơn giản là ở địa phương mô hình này còn mới. Tổng chi phí đầu tư để cải tạo đất, cây giống, phân thuốc… trong 3 năm khoảng 100 triệu đồng. Mãng cầu bắt đầu cho trái chiếng. “Thú thiệt lúc đầu có nhiều người khuyên tôi cùng nuôi tôm biển cho mau khá, thậm chí họ còn cười tôi, tôi cũng chịu đựng… Và nay thì ai hơn ai đã rõ” - anh Bảy Nghĩa tự hào.
Theo dự báo của các kỹ sư nông nghiệp, mô hình cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát sẽ cho trái ổn định ít nhất 8 năm mới bị già cỗi phải trồng lại. Bằng những kỹ thuật hiện tại, anh Bảy Nghĩa có thể cho đậu trái đều đặn trong năm và tùy vào sự tính toán của anh. Mỗi trái mãng cầu xiêm nặng từ 1,5 - 2kg. Từ đầu năm 2014 đến nay, anh thu hoạch trái bán được hơn 400 triệu đồng, trừ chi phí còn lại 300 triệu đồng.
Chỉ tay về ao tôm thẻ chân trắng của em trai (là anh Nguyễn Văn Khanh), anh Bảy Nghĩa nói: “Lúc đầu, tôi khuyên em rất nhiều, bởi nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa là trái với chủ trương và rủi ro rất cao. Vả lại, các nhà khoa học đã khuyến cáo nuôi tôm biển trong vùng ngọt hóa sẽ gây ra hậu quả lớn. Em tôi đâu chịu nghe, vẫn nuôi với hy vọng con tôm biển giúp nhanh chóng đổi đời. Gần 4 năm, em tôi đầu tư nuôi tôm đều bị thua lỗ, nay muốn chuyển sang trồng cây phù hợp với vùng ngọt hóa thì không còn tiền thuê bơm cát san lấp ao”.
Hiện tại, trên địa bàn xã cũng đã có nhiều nhà vườn đang làm theo mô hình của anh Bảy Nghĩa. “Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn chi tiết về phương pháp thực nghiệm cho bà con nào muốn trồng. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người trồng loại cây ăn trái này để tại địa bàn tỉnh ta có nhà máy thu mua nguyên liệu, ít nhất cũng sơ chế để có đầu ra ổn định hơn, chứ bán cho thương lái từ nơi khác đến nhiều lúc cũng cảm thấy có hơi bị động” - anh Bảy Nghĩa tâm sự.
Ông Lê Văn La - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại đánh giá: “Mô hình mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát của anh Nghĩa đã chứng minh rằng việc làm kinh tế trong vùng ngọt hóa sẽ không thua kém với kinh tế tôm biển nếu canh tác, trồng trọt hợp lý. Chúng tôi cũng sẽ tìm cách để nhân rộng mô hình này cho bà con”.
“Thay vì chạy đôn chạy đáo với ao nuôi tôm thẻ chân trắng như nhiều bà con ở đây. Hàng ngày, tôi chỉ có việc loại bỏ bông có vòi nhụy nhỏ, giữ lại bông có vòi nhụy to, cho trái to, dài như ý muốn, bán giá cao”. (Anh Nguyễn Văn Nghĩa)
Mã Phương