Mãi cho tới năm 1993 khi Nhà nước có kế hoạch vận động những người này ra sống định canh định cư tại các bản Cà Xen (thuộc xã Thanh Hóa), bản Chuối, Cáo, Kè (thuộc xã Lâm Hóa), huyện Tuyên Hóa, thì Hồ Viên chính là một trong những người đầu tiên hưởng ứng kế hoạch này. Không những thế, Hồ Viên còn rất tích cực vận động nhiều bà con từ bỏ lối sống hoang dã, phấn đấu để trở thành một trong những triệu phú đầu tiên của tộc người Mã Liềng ở Quảng Bình...
Từ hang đá “hạ sơn” ổn định cuộc sống...
Hồ Viên cho biết: “Hồi trước miềng và nhiều bà con Mã Liềng sống du canh du cư xung quanh khu vực vùng Quạt, cách nơi định cư này khoảng một ngày đường đi bộ trèo núi, băng rừng. Cuộc sống nay đây mai đó “đói chẳng lo, no chẳng mừng”, cứ hễ nhìn thấy có ngọn núi nào cao nhất, đất đai màu mỡ là bà con chọn làm nơi sinh sống, như con chim Mơ Leng (chim đại bàng) thường chọn ngọn núi cao làm tổ vậy.
Sống ở đó được chừng hai, ba mùa rẫy, đất đai khô cằn, nghèo kiệt là mọi người lại kéo nhau bỏ đi chỗ khác kiếm kế sinh nhai. Cuộc sống bà con không ổn định, chỉ dựa vào mấy vạt ngô, sắn và săn bắt muông thú nên cái đói, cái rét cứ đeo bám dai dẳng, ăn ngủ, sinh hoạt chủ yếu trong những hang đá. Ngày đó, hầu hết bà con từ già tới trẻ không ai biết lấy cái chữ trong đầu...”.
Năm 1993, từ biệt cuộc sống hoang dã, Hồ Viên dẫn dắt vợ con “hạ sơn” xuống định canh định cư tại bản Cà Xen. Vừa làm quen với cuộc sống mới, ông tiếp tục phối hợp cùng cán bộ dưới xuôi vào rừng vận động bà con Mã Liềng rời hang đá ra sống định canh định cư, từ bỏ dần những hủ tục lạc hậu, vận động con em đến lớp
học chữ... Một hộ, hai hộ và cho đến nay có khoảng 10 hộ ra sống tại vùng Cà Xen và Bạch Tài, tiếp đến là đại đa số con em tại bản Cà Xen bây giờ đều rất chăm chỉ tới lớp học chữ, đó là có một phần công lao khá lớn của Hồ Viên.
Nhấp một ngụm nước nấu bằng lá rừng, Hồ Viên kể tiếp: “Năm nay miềng đã tròn 55 mùa rẫy rồi. Còn lúc đó chỉ mới ngoài 30 thôi, một đoàn cán bộ dưới xuôi cắt rừng lội suối tìm vào vận động bà con ra định canh định cư để ổn định cuộc sống. Họ nói với bà con rằng, nếu về định canh định cư thì bà con sẽ được Nhà nước hỗ trợ làm cái nhà để ở, bày cho cách mà làm ăn, con cái sẽ được đến trường học chữ, đau ốm có y tá điều trị... Lúc đầu, đa số bà con Mã Liềng vẫn chưa tin lời cán bộ nói. Họ cho rằng, sống với rừng đầy rẫy muông thú, rau, củ, quả... cái chân tha hồ được phiêu bạt khắp núi rừng, như thế mới sướng hơn. Riêng bản thân miềng thấy cán bộ nói có lý, ưng cái bụng, rứa là miềng quyết định tiên phong đưa vợ con xuống núi định canh định cư tại bản Cà Xen mãi cho tới ngày nay...”.
Cùng với nhiều cán bộ, chính quyền địa phương, ban đầu, Hồ Viên tìm cách động viên mãi tụi trẻ con mới dần thích nghi. Tiếp đến, ông vận động chúng lần lượt tới lớp học chữ. Để làm gương cho tụi trẻ và những người dân Mã Liềng chung quanh, Hồ Viên xung phong đi học cái chữ của Bác Hồ trước, sau đó ông học cách trồng lúa nước, cách làm ăn kinh tế như những người dưới xuôi...
Cái lý mà Hồ Viên đưa ra là khi học được cái chữ của Bác Hồ, cái đầu sẽ biết được rất nhiều chuyện hay, làm công việc gì cũng dễ dàng hơn. “Lời nói đi đôi với việc làm”, tất cả các con, cháu đều được Hồ Viên vận động, nuôi ăn học tử tế vào bậc nhất bản Cà Xen, không những thế, ông là người đầu tiên của bản “dám” mạnh dạn ngăn khe, đắp suối để trồng lúa nước, đào ao thả cá. Rồi ông còn mạnh dạn nuôi thật nhiều trâu, bò, gà lợn, trồng rừng...
Thành quả của việc chăm chỉ lao động đã được đền đáp, hầu như vụ mùa năm nào gia đình Hồ Viên cũng thu được thóc lúa chất trĩu gác nhà sàn... Không chỉ chú trọng làm giàu cho bản thân, vừa lao động Hồ Viên vừa tranh thủ vận động, bày vẽ cho bà con trong bản làm theo...
“Nói thiệt với mấy chú, nhiều bà con và ngay cả bản thân miềng lúc đầu làm quen với cuộc sống định canh định cư vẫn thấy khó. Làm việc gì cái chân, cái tay cứ bứt rứt, lóng ngóng thế nào ấy. “Bắt” được con chữ bỏ vào đầu còn khó hơn bắt con rắn, con khỉ ở trên rừng, nói chung mọi thứ đều lạ lẫm. Thời điểm đầu, do lười lao động nên nhà Hồ Khang, Hồ Rừng, Hồ Phùng, Hồ Hùng (sống tại vùng Bạch Tài)... không chịu được cái cực, cái khổ, họ tìm đến “bắt đền” miềng vì đã vận động họ ra sống định canh định cư. Bây chừ thì khác rồi, nhận thấy đời sống ngày một đổi thay, không còn lo đói kém, họ rất cảm ơn Nhà nước, cám ơn cán bộ và thằng Hồ Viên này lắm...”- Hồ Viên tâm sự.
...Đến triệu phú đầu tiên của người Mã Liềng
Năm 2008, trong một lần trở lại bản Cà Xen, chúng tôi may mắn được tận mắt chứng kiến người dân Mã Liềng nơi đây lần đầu tiên sử dụng chiếc máy cày để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ai nấy cũng với vẻ mặt hớn hở, tươi vui bởi lần đầu tiên Nhà nước đã đưa cơ giới hóa về tận bản này...
Còn hôm nay, chúng tôi đến Cà Xen và không khỏi ngạc nhiên vì cơ giới hóa đã về tới từng hộ dân. Chỉ sau một năm chiếc máy cày đầu tiên đưa về bản, gia đình Hồ Viên cũng sắm được một chiếc máy cày và một máy xay xát. Hồ Viên khoe: “Năm ngoái, tao bán hai con trâu nậy và mấy tấn thóc mới sắm được chiếc máy cày (trị giá gần 30 triệu đồng) này đấy. Riêng chiếc máy xay xát này (trị giá khoảng 5 triệu đồng) là do vợ chồng tao tích cóp được nhờ tiền bán cá, lúa. Phải đưa tiến bộ khoa học lên núi thì nó mới nhanh chóng giàu hơn. Năm rồi nhờ có chiếc máy cày này mà tao mở rộng khai hoang được hơn 1 ha lúa nước, thu được gần 5 tấn thóc...”.
Tài sản gia đình Hồ Viên hiện có 12 con trâu, hàng chục con gà thả vườn, 2 ao cá rộng chừng 1.000 m2 (chủ yếu nuôi cá trắm, gáy, trê phi), 6 ha rừng keo lai khoảng 4 năm tuổi... Trong số 9 người con của ông đã có 4 người được Hồ Viên hỗ trợ mua sắm xe máy, ti vi; cùng với số tiền 18 triệu đồng của Nhà nước hỗ trợ, 2 người con là Hồ Thanh và Hồ Thành được ông cho thêm tiền để dựng nhà ở rất khang trang, trị giá mỗi ngôi nhà ước tính lên tới cả trăm triệu đồng... Hồ Viên xứng đáng là triệu phú đầu tiên của người Mã Liềng.
Chia tay Hồ Viên, chia tay bản mới Cà Xen khi ông mặt trời xuống nhanh bên kia ngọn núi, chúng tôi hy vọng năm sau khi trở lại vùng đất này sẽ có nhiều triệu phú như Hồ Viên.