Từ ông “vua gà”!
Chuyện làm ăn của anh Thành bắt đầu từ năm 1987, khi quyết định đầu tư mở trang trại nuôi gà. Anh lặn lội hàng ngàn kilômét ra Hà Nội, tìm đến Trung tâm Nghiên cứu Giống gia cầm Thuỵ Phương để chọn mua con giống và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ chăm chỉ, cần cù nên anh đã thành công. Không những tăng thêm thu nhập cho gia đình, anh còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum ký hợp đồng cung cấp gà giống cho Dự án xoá đói giảm nghèo. Với các giống gà Lương Phượng, thả vườn, siêu trứng, siêu thịt, trang trại của anh đã trở thành cơ sở cung cấp gà giống lớn nhất tỉnh Kon Tum. Không những thế, anh còn đảm nhiệm vai trò “bà đỡ của dân nghèo”, vừa cung cấp con giống, vừa hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi miễn phí và bán thức ăn gia súc cho bà con. Anh cho biết: Thời điểm từ năm 1995 đến 2003, tôi bán ra thị trường trên 5.000 con gà giống /tuần, 400 - 500kg gà thịt /ngày. Mỗi năm lãi trên 200 triệu đồng.
Phá sản
Khi công việc chăn nuôi đang “xuôi chèo mát mái”, doanh thu tăng như diều gặp gió, đùng một cái, dịch cúm gia cầm “bùng phát” vào cuối năm 2003. Tuy Kon Tum không nằm trong vùng dịch, nhưng chấp hành chủ trương của tỉnh, anh vẫn tiêu huỷ 5.000 con gà sắp đến thời kỳ xuất chuồng. Năm đó, gia đình anh mất trắng khoảng 200 triệu đồng. Không nản chí, khi dịch cúm được dập tắt, anh lại tiếp tục đầu tư nuôi gà. Theo anh, dịch cúm chỉ bùng phát khi giáp Tết (tháng 11 - 12 âm lịch), nên nuôi sớm để xuất vào đầu tháng 10. Nhưng "rủi" thay, năm 2004 dịch bùng phát sớm hơn, anh lại phải tiêu huỷ 5.000 con gà, thất thu 210 triệu đồng…
Năm 2005, anh vẫn liều vay ngân hàng đầu tư nuôi, “kịch bản” cũ tái diễn, dịch cúm “nẫng tay trên” của anh khoảng 180 triệu đồng. Bao nhiêu tiền của tiết kiệm được từ năm 1987 và trên 40 triệu đồng vay ngân hàng do thế chấp căn nhà đã theo ba lứa gà ra đi. Gia đình anh phá sản vì gà…
Đến “triệu phú”... thỏ!
Đầu năm 2006, anh quyết định chuyển hướng, đầu tư nuôi thỏ. Bởi anh nhận thấy trong thời gian này ở Kon Tum chưa có ai nuôi thỏ thực sự quy mô, nếu đầu tư đúng hướng, thỏ có thể là cứu cánh của kinh tế gia đình. Thấy anh chịu khó và quyết tâm làm giàu từ trang trại, bạn bè gần xa giúp anh vốn. Với gần 16 triệu đồng, anh mua 100 thỏ con giống, 40 con thỏ bố mẹ về nuôi. Anh đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh để sưu tầm tài liệu nuôi thỏ. Đến nay, sau một năm chuyển đổi, anh Thành đã sở hữu 150 thỏ đẻ, 70 con cái hậu bị, bình quân mỗi tháng anh bán trên 300 thỏ con. Theo giá thị trường hiện nay (25.000 đồng /con một tháng tuổi), gia đình anh thu về gần 8 triệu đồng. Năm 2006, anh Thành xuất chuồng trên 1.800 con thỏ giống, lãi hơn 45 triệu đồng.
Với những thành tích đáng nể trên, cộng với tinh thần vượt khó thoát nghèo và vươn lên làm giàu, anh Quách Chí Thành đã trở thành hội viên “Hội các nhà chăn nuôi giỏi Việt