Không nản lòng trước khó khăn, thất bại, anh Phạm Thanh Minh đã vươn lên làm giàu từ chính vùng đất nghèo khó
Cái tên “anh Minh nghĩa tình” được bà con ở ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh- TPHCM đặt cho Phạm Thanh Minh. Anh không chỉ là người nuôi tôm giỏi nhất vùng mà còn giúp nhiều người cùng làm giàu từ vùng đất nghèo khó.
Tích lũy kinh nghiệm
Trại nuôi tôm sú của anh Minh nằm tại số B11/327/1 ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh - TPHCM có diện tích gần 4.000 m2, xung quanh được rào lưới cẩn thận, phía dưới là những chiếc máy sục khí đang hoạt động liên tục. Anh Minh đang ngồi trên một chiếc phao, bơi khắp ao cho tôm ăn. Thấy chúng tôi, anh nắm dây kéo phao vào bờ và bước lên. Lau vội bàn tay ướt, anh bắt tay tôi, nói như phân trần: “Nghề này cũng cực lắm. Mỗi ngày, phải cho tôm ăn 5 lần, mỗi lần cách nhau 4 giờ. Để tôm phát triển tốt, không chết thì từ 22 giờ trở đi, không được cho tôm ăn mà chỉ cho máy sục khí hoạt động”.
Thấy tôi chưa hiểu, anh giải thích thêm: Ban đêm, các loại tảo và du sinh vật đều thở, thải ra nhiều carbon nên phải mở máy sục khí để tăng lượng ôxy trong nước. Nếu cho tôm ăn trong đêm sẽ làm cho lượng ôxy hao hụt. Tuy nhiên, quyết định 50% thành công là việc chọn tôm giống. Tôm giống phải được kiểm dịch ngay từ đầu vào, phải bảo đảm không bị các loại bệnh như đốm trắng, đầu vàng, phát sáng... Để tôm sống tốt trong môi trường tự nhiên, mỗi năm chỉ được nuôi 2 vụ. Thời gian còn lại để ao trống cho các loại phiêu sinh vật, tảo phát triển.
Hồi sinh vùng đất phèn
Tốt nghiệp trung cấp Trường Thủy sản TPHCM, anh Minh từng làm việc cho nhiều công ty kinh doanh thủy sản. Trong những ngày đi làm, anh luôn trăn trở về vùng đất nhiễm phèn vốn không canh tác được ở quê mình và ước mơ một ngày sẽ trở về làm giàu trên chính mảnh đất ấy. “Năm 1994, tôi quyết định nghỉ việc trở về Bình Chánh mở trang trại nuôi gà. Nhưng mọi việc lại không suôn sẻ như mình mong muốn. Sau 10 năm nuôi gà với những lần bị dịch cúm gia cầm, vợ chồng tôi trắng tay”, anh tâm sự.
Năm 2005, anh vay hơn 50 triệu đồng, quyết định chuyển hướng... nuôi tôm. Chị Phạm Thị Kim Dung, vợ anh, kể lại: “Để tận dụng nguồn nước từ rạch Cần Giuộc, anh Minh phải đào kênh dẫn nước vào ruộng. Hết đào ao, anh lại lặn lội xuống Cà Mau tìm mua tôm giống. Nhờ áp dụng kiến thức đã học ở trường và kinh nghiệm những năm đi làm việc vào quy trình nuôi tôm nên ngay mẻ tôm đầu, chúng tôi đã thành công, trả hết nợ, tiếp tục nhân giống cho vụ sau”.
Hiện nay, mỗi năm, trại nuôi tôm của anh Minh thu hoạch hơn 2 tấn tôm thịt. Ngoài ra, trại của anh còn cung cấp tôm, cá giống cho nông dân các nơi. Trong vai trò là Chi hội phó Chi hội Nông dân xã Đa Phước, anh luôn chia sẻ kinh nghiệm thành công với bà con quanh vùng. Anh cho biết: “Tôi không ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình với mọi người nhằm giúp bà con có cuộc sống ấm no, không phải chịu cảnh nghèo khổ”.
Anh Phạm Thanh Minh tâm sự: “Nhiều lần nhìn thấy thanh niên trong làng đi nơi khác làm ăn, tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi luôn mong muốn người dân quê tôi phải sống và làm giàu được trên chính mảnh đất của ông cha để lại...”.
Tận tình truyền nghề
Dẫn chúng tôi thăm ao tôm có diện tích gần 2.500 m2 vừa được thả hơn một tháng với những chú tôm bằng đầu ngón tay tung tăng trong nước, anh Thái Văn Phát (ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) không giấu vẻ mãn nguyện: “Có được thành quả này là nhờ chú Minh đã chỉ dẫn tôi nuôi tôm theo mô hình công nghiệp”.
Đến với nghề nuôi tôm gần 7 năm nhưng sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh Phát đều chỉ lấy lại vốn vì năng suất thấp. Nhiều lần nhìn ao tôm của mình, anh Phát không khỏi buồn rầu. Một lần tình cờ đi qua ấp 2, thấy mô hình nuôi tôm của anh Phạm Thanh Minh rất thành công, anh Phát nảy sinh ý định học hỏi kinh nghiệm. Anh Phát nhớ lại: “Nghe tôi kể rõ đầu đuôi, chú Minh rất thông cảm nên tận tình chỉ dẫn cách cải tạo ao, kỹ thuật nuôi tôm theo quy trình công nghiệp. Không chỉ vậy, chú còn cung cấp con giống cho tôi”.
Sau gần một tháng học hỏi, anh Phát xuống giống thử. Vụ thu hoạch đầu tiên vào tháng 4 vừa rồi, anh Phát thu được gần 1 tấn tôm sú. Trừ chi phí, anh lãi hơn 30 triệu đồng. Anh khoe: “Tháng 8 tới, tôi sẽ thu hoạch vụ 2. Với mô hình nuôi tôm mới này, năng suất tăng gấp đôi. Nhờ đó, cuộc sống gia đình chúng tôi cũng dễ thở hơn nhiều”. Anh Phát cho biết không chỉ gia đình anh mà nhiều bà con trong vùng với sự giúp đỡ của anh Minh, cuộc sống đã đổi thay, không còn nghèo khó như trước.