Nằm dưới chân núi Cấm thuộc xã An Cư (Tịnh Biên), vườn xoài 300 công của chị Trịnh Thị Lệ Hoa chính là vườn xoài có quy mô lớn và trồng tập trung nhất từ trước đến nay ở huyện Tịnh Biên
Rảo quanh một vòng vườn xoài mất hơn tiếng đồng hồ, chị Hoa khoe với chúng tôi, 300 công xoài này trồng khoảng trên 3.500 gốc gồm những giống như: Xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu, xoài ghép bưởi, xoài thơm… Hổm rày mới thu hoạch trái chính vụ, thương lái chạy xe thẳng vô đây mua, ước tính mỗi năm cho thu hoạch trên 100 tấn xoài, bỏ túi cũng vài trăm triệu đồng. Nhờ nó mà gia đình ăn nên làm ra, sắp nhỏ được học hành đầy đủ.
Quê ở thị trấn Nhà Bàn, khi lớn lên lập gia đình chị Hoa được cha mẹ cho số vốn mần ăn. Năm 1999, bằng số tiền được cha mẹ hỗ trợ, chị bàn tính với chồng mua đất lập vườn để mai sau còn có cái để dành cho con cháu. Từ đó, chị quyết tâm tìm mua 200 công đất hoang hóa nằm sau lưng chân núi Cấm, thuộc xã An Cư, với giá 2 triệu đồng/công và hẹn với chủ đất 2 ngày sau sẽ trả dứt điểm. Mua xong, về nhà chị trăn trở vì không biết, tiền bỏ xuống vùng đất khô cằn sỏi đá này rồi đây liệu có đem lại hiệu quả cho kinh tế gia đình ? Chị Hoa nói: "Bây giờ nghĩ lại mới thấy lúc đó mình gan thiệt, dám cầm tiền lên đây mua đất hoang hóa; cây, cỏ, mai dương mọc um tùm, chẳng trồng cây trái gì được, nhiều lúc chồng tôi lắc đầu kêu bỏ cuộc. Tôi bảo cứ ráng "có công mài sắt có ngày nên kim", sau đó mướn hàng chục người cùng máy cày vô xới, ủi phát hoang cho đất bằng phẳng, hơn 2 tháng mảnh đất được dọn dẹp ngon lành…".
200 công đất hoang sau lưng triền núi Cấm chỉ sau vài tháng sau đã trở thành mảnh đất "mứt". Thế nhưng lúc này chị Hoa vẫn chưa biết trồng loại cây gì phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Năm đầu tiên chị cho trồng cây mãng cầu ta và xen canh nhiều cây màu khác nhưng dứt vụ, trừ chi phí chị không có lời. Nhiều lần theo dõi báo đài, chị thấy các tỉnh ĐBSCL như: Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long trồng xoài cát Hòa Lộc trúng mùa và đem lại thu nhập cao nên chị quyết định chặt bỏ cây mãng cầu và lên liếp thành lập vườn xoài. Chị xuống tận Khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ mua 2.000 cây giống xoài cát Hòa Lộc và xoài ghép bưởi đem về trồng. Nhưng làm cách nào để giải khát cho cây xoài ở vùng đất này, đó là bài toán khó đối với một người phụ nữ như chị. Chị Hoa tâm sự: "Khi mua giống xoài về trồng mới nghĩ đến chuyện làm cách nào để cung cấp đủ nước tưới cho hơn 2.000 cây xoài chiết còn non nớt; nếu thiếu nước, xoài chết coi như mất trắng. Bởi trước kia trồng cây mãng cầu ta-loại cây chịu hạn tốt chỉ đợi đến mùa mưa là cây cho trái ngon lành; còn xoài cần phải có nước tưới liên tục thì cây mới phát triển mạnh. Sau lần nhìn thấy vài hộ ở đó có đào những ô nhỏ giữ nước mưa tưới rẫy, tôi bắt đầu mướn nhân công đào hai ô hơn 4 công đất với sức chứa hàng ngàn mét khối nước. Rồi thuê nhân công đi đường ống âm sâu xuống đất quanh vườn xoài, dùng máy bơm, chỉ cần vặn van là nước phun khắp nơi nên đỡ tốn công sức trong khâu tưới tiêu…".
Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật cộng với học hỏi kinh nghiệm ở khâu chăm sóc, nên sau 3 năm vườn xoài cho trái rộ và đạt năng suất cao. Chị thu hoạch hàng chục tấn xoài, bán với giá từ 9.000-10.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi khoảng hơn 300 triệu đồng, chị Hoa mừng như bắt được vàng. Chị kể: "Khi xoài cho thu hoạch, tôi mừng rơi nước mắt. Lúc trước lên đây lập vườn ai cũng nói tôi bỏ tiền hay sao mà lên vùng đất núi này trồng vườn. Nhưng thấy tôi trồng xoài đem lại hiệu quả cao, nhiều hộ trong xóm cũng bắt chước làm theo…". Làm ăn ngày càng hiệu quả, năm 2004, chị Hoa đầu tư mua thêm 100 công đất ở ấp Chơn Cô để trồng xoài giống Đài Loan, sau 3,5 năm cho trái rộ, trung bình mỗi trái từ 0,5-1 kg, bán với giá 15.000-20.000 đồng/kg, chị bỏ túi gần 100 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, vườn xoài của chị trở thành địa điểm nghiên cứu cây trồng từ các Viện, trường ở khắp các tỉnh ĐBSCL. Mới đây, đoàn du khách Lào đến tham quan và không ngừng khen ngợi vườn xoài của chị và học hỏi kinh nghiệm để về ứng dụng. Hiện nay, chị Hoa đã chuyển sang bán "xoài đứng" cho những hộ nghèo không có đất sản xuất để họ có thêm thu nhập. Riêng việc bán xoài đứng, mỗi năm chị Hoa thu hơn 300 triệu đồng…
Là phụ nữ nhưng bằng ý chí và nghị lực vươn lên, giờ đây chị Trịnh Thị Lệ Hoa đã lập nên được sự nghiệp. Thấy chị làm ăn hiệu quả nhiều người cũng đến chia sẻ kinh nghiệm và được chị hướng dẫn rất nhiệt tình. Anh Mai Kim Hên, Phó Chủ tịch UBND xã An Cư nói, ở vùng này có hàng trăm hộ trồng xoài nhưng chị Hoa là người trồng xoài nhiều nhất và cũng hiệu quả. Chị chịu khó tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, tích lũy kiến thức nên ứng dụng thành công trong việc chuyên canh cây xoài ở vùng đất núi này. Chị Hoa là người phụ nữ điển hình cho các chị em phụ nữ khác học hỏi làm theo. Tới đây, xã sẽ phối hợp với ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng xoài cho nhiều hộ trong xã, để từng bước giúp nông dân ở địa phương xóa đói, giảm nghèo…