Trợ giá trực tiếp cho huyện
Ngay tại thời điểm chúng tôi thực hiện loạt bài viết này, nhận ra nhiều tồn tại trong chính sách trợ giá hiện hành, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã quyết định trợ giá giống trực tiếp cho huyện, thay vì cho các đơn vị cung ứng giống trong tỉnh như trước đây. Nghĩa là tiền ngân sách trợ giá sẽ được chuyển về huyện, trên cơ sở cơ cấu giống của tỉnh, của huyện, nhu cầu của nông dân, huyện sẽ chọn nhà cung ứng và chuyển giống cho dân.
Có mặt tại Phòng NN-PTNT huyện Văn Giang (Hưng Yên) khi các nhân viên của phòng này đang lên danh sách các đơn vị cung ứng giống. “Trong cơ cấu thì có 5 giống sẽ được trợ giá gồm Syn 6, Thục hưng 6, Dương quang 18, TH3-3… Trên cơ sở đó chúng tôi thông báo tới các Cty ưng ứng giống trong cả nước. Cty nào báo giá thấp, giống tốt, giống đó đã vào được đồng đất của chúng tôi, được người dân chấp nhận rồi thì chúng tôi sẽ chọn giống đó.” Một nhân viên Phòng NN-PTNT Văn Giang cho biết. Tại các huyện thuộc tỉnh Hải Dương các bước cũng được triển khai tương tự. Một số huyện khẳng định, vì trách nhiệm cao nên sẽ chỉ đưa các giống đã vào được đồng đất của huyện rồi mới cung ứng.
Bí thư Huyện uỷ huyện Thanh Miện (Hải Dương) Lương Anh Tế sau nhiều lần “đấu tranh” về cách trợ giá giống cây trồng chưa hợp lí đã góp phần làm tỉnh Hải Dương thay đổi cách trợ giá giống khẳng định, ở huyện nông nghiệp Thanh Miện thấy rõ nhất tác dụng của chính sách trợ giá, người được hưởng lợi nhất sẽ là nông dân, chỉ có điều nếu cách trợ giá không tốt thì người có lợi nhất có thể lại thuộc về một số người. “Nhưng trợ giá trực tiếp về cho huyện, cái được lớn nhất sẽ là chủ động được giống, phù hợp với cơ cấu của huyện, không có chuyện giống trợ giá một đằng, cơ cấu một nẻo, dẫn đến rủi ro cao, năng suất thấp. Mặt khác huyện thấy được hết trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo chất lượng giống, đảm bảo đúng cơ cấu, phù hợp với điều kiện của từng đồng đất. Thậm chí huyện có thể đảm bảo đưa giống vào, nếu thất bại đền bù. Các cán bộ cũng phải có trách nhiệm như vậy, vì đó là sinh mạng chính trị của họ rồi”. Bí thư Lương Anh Tế phân tích.
Về cách làm này, GĐ Sở NN-PTNT Hải Dương Nguyễn Đức Dương cũng tỏ ra rất đồng tình, ông nói: “Nếu làm được như vậy thì nông dân cần gì, xã cần gì, huyện cần gì sẽ được đáp ứng một cách thực chất, chứ không như trước đây chỉ trên tỉnh thôi thì thành ra “ăn đều chia ròng”. Huyện, xã khi đó sẽ có cả trách nhiệm về chỉ đạo lẫn trách nhiệm về chất lượng giống đối với dân. Bên cạnh đó, nếu giao cho huyện thì huyện có điều kiện chọn lọc nhiều Cty cung ứng giống hơn tỉnh”.
Ngoài cách làm mới của Hải Dương và Hưng Yên, một số lãnh đạo cấp huyện còn cho rằng có thể trợ giá bằng cách cấp tiền cho dân. Sau khi dân cấy, HTX, hoặc thôn sẽ thống kê, mỗi hộ, thôn có bao nhiêu sào thì cấp tiền cho dân. Như thế dân sẽ không thể khai khống được diện tích. Khai khống nó lòi ra ngay khi đi kiểm tra lúc chưa gặt. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng triển khai như vậy sẽ giảm được tiêu cực nhưng sẽ hết sức khó khăn.
Minh bạch và hiệu quả hơn
Lãnh đạo Sở NN-PTNT một tỉnh: “Chúng tôi bắt các DN cung ứng giống lúa lai phải cam kết về chất lượng giống trợ giá. Nếu để dân thiệt hại phải đền. Nếu không cam kết, tôi dùng giống khác.”
Trao đổi với DN trực tiếp cung ứng giống lúa lai cho nông dân và độc quyền cung ứng giống lúa lai ở Việt Nam, một số DN khẳng định muốn cung ứng tay bo, sòng phẳng trên thị trường hơn là cung ứng theo trợ giá giống như hiện nay. “Tôi với ông đều là đơn vị kinh doanh, cung ứng giống trên địa bàn một tỉnh nhưng ông là DN nhà nước, ông luôn được tỉnh ưu ái, được giao cung ứng các giống có trợ giá thì chắc chắn về mặt thị trường ông có lợi thế hơn tôi. Như vậy thì kiểu gì tôi cũng “khó chơi” hơn, khó cạnh tranh với ông hơn. Vì vậy, ông sẽ là người mong muốn trợ giá hơn tôi, không thích chơi sòng phẳng, theo thị trường như tôi”- đại diện một DN kinh doanh giống nói.
Ngược lại với ý kiến đó, một DN cung ứng giống trực tiếp cho nông dân lại khẳng định: “Nhập giống lúa lai về phải trả tiền ngay. Trong khi tỉnh chỉ ứng một số tiền nhất định, như vậy DN phải đi vay tiền lãi để có giống cung ứng cho dân, sau một vụ mất vài ba tháng tỉnh mới trả đủ tiền cung ứng giống. Độ trễ khá dài đó làm cho lợi nhuận của DN ít đi chưa kể đến rất nhiều "phiền toái" khác”.
DN chia sẻ với PV như vậy, nhưng DN lại đề nghị đừng đưa tên, vì vậy thực chất DN có mong muốn như vậy hay không thì chưa thể kiểm chứng. Nhưng có một điều chắc chắn rằng, nếu việc trợ giá được thực hiện như cách làm mới của tỉnh Hải Dương và Hưng Yên ở vụ xuân 2010 này thì sẽ làm minh bạch hơn thị trường lúa lai, các DN cung ứng giống lúa lai sẽ có cơ hội cạnh tranh hơn, lúa lai kém chất lượng sẽ khó có thể đến được tay người dân hơn. Và, mong muốn lớn của các địa phương là hiệu quả của chính sách trợ giá đối với nông dân sẽ cao hơn.