00:00 Số lượt truy cập: 3080999

Trở thành nước xuất khẩu ca cao hàng đầu: Cần một chiến lược cụ thể 

Được đăng : 03/11/2016
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, ngành ca cao Việt Nam đang có cơ hội để trở thành nước xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trước những thách thức mới đang đặt ra, nhiều người cho rằng, điều kiện quan trọng để thúc đẩy ngành sản xuất ca cao phát triển ổn định và bền vững vẫn là những chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Nông dân Đắk Lắk tích cực mở rộng diện tích trồng ca cao.

Ca cao, cây trồng hấp dẫn

Ngành sản xuất ca cao Việt Nam đang phát triển với tốc độ khá nhanh. Năm 2003, cả nước chỉ có 500ha ca cao, chưa đầy 5 năm sau, tổng diện tích ca cao đã tăng lên 20 lần (gần 10.000ha), thu hút 20.000 nông dân tham gia sản xuất.

Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu phát triển diện tích trồng cây ca cao lên 60.000ha vào năm 2015 và nâng lên 80.000ha vào năm 2020, sản lượng trên 100.000 tấn. Việt Nam đang nỗ lực đưa ca cao trở thành một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới.

Tiềm năng phát triển cây ca cao của Việt Nam được xác định là rất lớn với gần 100.000ha đất phù hợp với việc mở rộng diện tích canh tác. Trong đó đứng đầu là các tỉnh Tây Nguyên (chiếm 45,5%), tiếp theo là vùng Đông Nam Bộ (37%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (17,5%).

Ca cao là loại cây trồng hấp dẫn đối với các nông hộ bởi phù hợp với các hình thức xen canh, chuyên canh và thâm canh nông - lâm kết hợp. Trong đó, diện tích xen canh chiếm 55,7%, chuyên canh 33,2% và thâm canh nông - lâm kết hợp 11,1%. Việc phát triển cây ca cao mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường, có tác động tích cực đối với cộng đồng và đa dạng sinh học, rất phù hợp với các gia đình ở nông thôn và miền núi, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc.

Mặc dù có sự phát triển nhanh chóng trong 4 năm qua nhưng ngành sản xuất ca cao Việt Nam vẫn ở giai đoạn sơ khai, sản lượng còn thấp so với tiềm năng, chủ yếu là nhờ nguồn đầu tư của nhà tài trợ và doanh nghiệp nước ngoài. Trên thực tế, cho đến nay nước ta vẫn chưa có một chiến lược tổng thể và nhất quán cho ngành sản xuất ca cao, chưa có hệ thống giám sát, đánh giá đủ mạnh.

Trong bối cảnh chưa có chiến lược ngành, sự tăng trưởng nhanh chóng này sẽ không thể duy trì lâu dài, đó là chưa kể tập quán canh tác lạc hậu của bà con, việc chuyển giao công nghệ hạn chế và sự nghèo nàn về vật tư trồng trọt đang đặt ra những thách thức to lớn cho ngành sản xuất ca cao Việt Nam.

Cơ hội nào?

Các chuyên gia đều cho rằng, để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra, chúng ta cần một chiến lược cụ thể cho ngành ca cao. Theo đó, Chính phủ phải có những cam kết về các khoản đầu tư, chiến lược của ngành bao gồm mục tiêu, tầm nhìn, lộ trình và các kế hoạch hành động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm từng bước giải quyết những khó khăn của ngành thông qua việc xây dựng các chính sách, thể chế và kế hoạch hỗ trợ sản xuất.

Với thực trạng ngành sản xuất ca cao hiện nay, việc hoàn thành mục tiêu đạt trên 100.000 tấn vào năm 2020 phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chính sách của Nhà nước có vai trò quyết định. Trước tình hình này, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần thiết lập một hệ thống đảm bảo chất lượng cho hạt ca cao xuất khẩu, bao gồm xây dựng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất, bảo quản sau thu hoạch; tiếp thị; thúc đẩy sự phát triển của các công ty lên men hạt ca cao, đảm bảo tính đồng nhất về chất lượng của hạt ca cao; thiết lập các cơ chế, hệ thống theo dõi giám sát, kiểm soát chất lượng, những quy định về tài liệu chứng nhận cho xuất khẩu, thành lập các phòng thí nghiệm kiểm tra hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất ô nhiễm khác trong hạt ca cao

Những năm gần đây, Chính phủ đã có nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy phát triển ngành sản xuất ca cao như xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn, phê chuẩn một số dòng vô tính, thành lập Ban Điều phối ca cao Việt Nam... Bên cạnh đó, một lộ trình cụ thể đã được xây dựng cho ngành sản xuất ca cao Việt Nam, trong đó chú trọng nhiều đến các yếu tố công nghệ, chế biến, bảo quản, kiểm định chất lượng nhằm hướng tới thị trường xuất khẩu.

Chương trình chuyển giao công nghệ ca cao quốc gia cũng đang được tiến hành, tập trung chủ yếu cho các nông hộ nhỏ, theo hướng tăng cường áp dụng thực tiễn và phát triển bền vững. Thay vì trải rộng, chương trình sẽ tập trung vào những khu vực có tiềm năng về sinh thái nông nghiệp trong mỗi huyện, từ đó nhân rộng.

Thành lập viện nghiên cứu ca cao và hệ thống đảm bảo chất lượng cho vật liệu trồng cùng hệ thống giám sát và đánh giá nhằm nâng cao chất lượng của hạt ca cao Việt Nam. Cải thiện năng suất ca cao, tăng cường hợp tác với các công ty và nhà cung cấp dịch vụ chuyên sâu đối với quá trình sản xuất: lên men, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhằm đảm bảo cho phát triển bền vững.

Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu và cán bộ kỹ thuật có đủ năng lực; các vườn ươm có sự quản lý của Nhà nước nhằm cung ứng giống đảm bảo chất lượng. Xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam trên thế giới với mục đích tạo danh tiếng của Việt Nam như một khu vực sản xuất hạt ca cao chất lượng và an toàn nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Cùng với đó là thiết lập hệ thống giám sát và đánh giá nhằm có những thông tin và số liệu cụ thể xây dựng kế hoạch phát triển ngành sản xuất ca cao.