Khởi đầu trên vùng đất mới với bao gian khó, anh Thanh đã trải qua rất nhiều nghề để mưu sinh. Những ngày không có người thuê, anh nắm cơm để đi khai hoang đất, khai hoang đến đâu, anh gieo tỉa đến đấy. Năm 1990, anh đã có trong tay 4.000m2 đất. Lúc đó, phong trào trồng càphê phát triển mạnh, anh cũng mày mò, học hỏi để trồng loại cây công nghiệp này. Anh Thanh tâm sự: “Khi chọn trồng càphê, tôi gặp không ít khó khăn do không nắm được kỹ thuật trồng, càphê nhiễm bệnh và chết gần hết. Thất bại nhưng anh không nản, tiếp tục chăm sóc và học hỏi kinh nghiệm qua các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân do xã tổ chức. Chỉ vài năm sau, anh Thanh đã rành rẽ những kỹ thuật trồng và phòng bệnh cho càphê.
Nhờ chịu khó học hỏi, vươn lên bằng nghị lực, đến nay, anh đã có một gia sản mà nhiều người mơ ước. Đó là một căn nhà khang trang trị giá gần 300 triệu đồng và 1,2ha càphê đang trong thời kỳ kinh doanh. Trong căn nhà khang trang của mình, anh bộc bạch: “Hồi mới vào đây, cuộc sống vất vả lắm. Nhưng đến thời điểm này thì cái ăn không còn lo, thu nhập cũng ổn định. Bây giờ chỉ việc đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn thôi”.
Từ nghèo khó, bằng nghị lực và sức trẻ, anh Thanh đã gây dựng cơ nghiệp tại một mảnh đất được xem là khó khăn nhất thành phố Đà Lạt. Không chỉ vậy, khi đã có của ăn của để, anh còn giúp bà con về kỹ thuật trồng càphê để ai cũng có thể thoát nghèo và làm giàu. “Đây là một trong những điển hình về thoát nghèo của địa phương và là tấm gương để mọi người học hỏi”, ông Cil Hiếu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Tà Nung đã nhận xét về anh Thanh như vậy.