00:00 Số lượt truy cập: 3040893

Trồng cà phê công nghệ cao 

Được đăng : 03/11/2016

Năm 2007, ông Lê Nam ở ấp Gia Lào, xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai mạnh dạn chặt bỏ vườn điều kém hiệu quả để thay vào đó là cây cà phê. Do chịu khó học hỏi, áp dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nên chỉ 2 năm sau vườn cà phê của ông Nam đã ra trái và cho thu lời.


Sau nhiều năm trồng điều thất thu, ông Nam đành chặt bỏ hàng loạt để thay vào đó là cây cà phê. Thấy ông trồng cà phê, nhiều người khuyên ông vùng đất đen sỏi cơm này chỉ trồng tiêu là phù hợp không nên liều sẽ lại thất bại, song ông vẫn quyết định trồng thử nghiệm 5 sào (5.000 m2) cà phê. Trước khi trồng, ông Nam đã tới Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai và những nơi trồng cà phê có năng suất, chất lượng cao để học hỏi kinh nghiệm. Khi đã tổng hợp cho mình được vốn kiến thức kha khá về cây cà phê ông Nam mạnh dạn đầu tư trồng và thâm canh theo hướng công nghệ cao.

Ông Nam kể: “Lúc đầu nghe nói trồng cà phê theo hướng công nghệ cao tôi cứ nghĩ nó cao siêu khó thực hiện. Song khi được một số kỹ sư nông nghiệp của tỉnh tư vấn kỹ thuật tôi đã bắt tay vào trồng và thấy thực tế rất dễ làm. Với 5.000 m2 đất tôi trồng khoảng 500 cây cà phê giống địa phương có chọn lọc, sau đó đầu tư 7 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, bón phân qua đường ống, tăng việc dùng phân hữu cơ, giảm lượng phân hóa học nên chỉ sau 2 năm cây đã có trái nhiều và trừ chi phí, tôi vẫn lời gần 5 triệu đồng”.

Từ trước đến nay, nông dân Đồng Nai đa số trồng cà phê theo hướng truyền thống năm thứ 3 cây mới bắt đầu có trái bói và phải năm thứ tư, thứ năm cây cho trái đồng loạt nhưng năng suất không cao. Và với giá cà phê chỉ còn 25 ngàn đồng/kg như hiện nay, đa số các nhà vườn chỉ huề vốn hoặc lời chút đỉnh. Nhưng nếu nông dân đồng loạt áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, thâm canh cây cà phê cho năng suất cao thì dù giá xuống rẻ cũng vẫn có lời.

Hiện nay, Đồng Nai có trên 17 ngàn hecta cà phê, trong đó diện tích cà phê già cỗi cần trồng lại chiếm trên nửa diện tích. Nhiều hộ sau khi phá bỏ vườn cà phê để trồng lại, cây chết rất nhiều và năng suất rất kém. Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai cho biết: “Sau khi chặt bỏ vườn cà phê cũ, nông dân nên luân canh bằng cách trồng loại cây khác từ 2-3 năm, sau đó mới quay lại trồng cà phê. Các nhà vườn muốn trồng cà phê công nghệ cao chỉ cần tuân thủ một số kỹ thuật: chọn giống tốt, thiết kế vườn trồng, đào mương thoát nước, sử dụng nhiều phân hữu cơ và lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm.

Trong quá trình chăm sóc cây nên tưới nước, bón phân, phun thuốc đúng liều lượng”. Thực chất trồng cà phê công nghệ cao không quá tốn chi phí đầu vào, rút ngắn được thời gian cây cho trái khoảng 1 năm. Theo tính toán, trồng cà phê công nghệ cao 2 năm cây cho trái sẽ giúp nông dân tiết kiệm được 20 triệu đồng/ha so với phương pháp trồng cũ. Bên cạnh đó, năm thứ hai cây cà phê đã cho năng suất hơn 1 tấn/ha/vụ, nông dân lời hơn 10 triệu đồng/ha, năm thứ 3, 4 lợi nhuận có thể tăng gấp 3-4 lần.

Hiện nay, cà phê của Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu, muốn sản phẩm của mình chiếm lĩnh được thị trường và bán giá cao thì nông dân chỉ còn cách áp dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất.

Trong điều kiện giá cả nông sản bấp bênh như hiện nay, thì việc trồng cà phê theo hướng công nghệ cao sẽ giúp các nhà vườn không còn bị thua lỗ. Đồng thời, canh tác theo hướng này cà phê sẽ chín đồng loạt, chất lượng cà phê nâng lên, như vậy đồng nghĩa với việc sản phẩm của nhà vườn đủ điều kiện đáp ứng các thị trường khó tính và đương nhiên đầu ra sẽ ổn định hơn.

Tuy biết hiệu quả mang lại từ trồng cà phê công nghệ cao rất lớn nhưng nhiều nông dân vẫn không làm vì cho rằng tiền đầu tư cao. Hỏi thăm các nhà vườn đã trồng cà phê công nghệ cao họ đều nhận định: Lúc đầu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tốn khoảng 15-20 triệu đồng/ha, nhưng hệ thống này sử dụng được 5-6 năm, trong thời gian đó mỗi năm người trồng sẽ giảm được hơn 6 triệu đồng/ha tiền làm bồn tưới, công tưới, bón phân và nhiên liệu chạy máy bơm nước. Đặc biệt những vùng mùa khô hạn thiếu nước, có thể bớt được một nửa lượng nước tưới so với cách tưới tràn nông dân vẫn làm. Hệ thống tưới tiết kiệm giúp cây đủ độ ẩm, sinh trưởng phát triển tốt, năng suất cao gấp 2-2,5 lần canh tác truyền thống, do đó chỉ sau vụ thu hoạch đầu nông dân đã thu đủ vốn đầu tư và có lời.