00:00 Số lượt truy cập: 2998817

Trồng đậu tương, làm chơi ăn thật 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm trước, mỗi khi thu hoạch xong lúa mùa, người dân xã Tiên Ngoại (Duy Tiên - Hà Nam) thường bỏ không đồng ruộng chờ tới vụ đông xuân. Mấy năm nay, từ khi đưa cây đậu tương vào sản xuất, cuộc sống của người dân nơi đây đã bước sang trang mới.

Anh Thành kiểm tra ruộng đậu tương nhà mình.
Người dân thôn Nội, xã Tiên Ngoại vừa có một vụ đậu tương thắng lợi khi năng suất đạt cao, giá bán ổn định, việc tiêu thụ thuận lợi. Chị Hoàng Thị Xuân, một người dân trong thôn vui vẻ cho biết: “Nhà tôi trồng được hơn một mẫu (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2) đậu tương. Năm nay mưa thuận gió hòa nên được mùa, thu hoạch hơn 7 tạ hạt. Tính theo giá thị trường 12.000 - 15.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình thu lãi vài triệu đồng”.

Ngay bên ruộng nhà chị Xuân, anh Trần Văn Công có tới hơn 10 mẫu đậu tương. Anh Công tâm sự: “Vụ này trừ hết chi phí, tôi thu lời ít nhất 8 triệu đồng. Từ trước đến nay tôi chưa thấy loại cây nào dễ trồng mà chăm sóc lại đơn giản như đậu tương”.

Theo đúng lịch thời vụ thì đầu tháng 9, khi thu hoạch xong vụ mùa người dân chỉ việc đem hạt giống đậu tương ra ruộng rắc với lượng 3kg/sào. Sau đó dùng máy hoặc dao phạt gốc rạ để chúng nằm rạp nhằm tạo độ ẩm cho hạt đậu tương nảy mầm. Khi đậu tương được hai lá thì bón lân đạm một lần, 10 ngày sau bón nhẹ một lần nữa, khi cây ra hoa phun thuốc sâu và chờ thu hoạch. Chính vì cách trồng và chăm sóc đơn giản nên những năm gần đây, diện tích đậu tương trong cơ cấu các cây vụ đông ở xã Tiên Ngoại tăng đáng kể. Thôn Nội có 65 hộ dân thì 100% số hộ trồng đậu tương. Người có diện tích đậu tương lớn nhất xã là gia đình anh Nguyễn Văn Thành, Trưởng thôn Nội với hơn 20 mẫu. Anh Thành khoe: “Vụ vừa rồi tôi lời 40 triệu đồng từ đậu tương”.

Việc đưa cây đậu tương vào sản xuất đang mở ra hướng đi mới cho nông dân vùng chiêm trũng. Điều này vừa giúp giảm tối đa việc bỏ hoang đất canh tác, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Mặt khác, đậu tương còn có tác dụng làm tơi xốp, cải tạo đất; các bộ phận rễ, thân, lá trở thành phân bón rất tốt cho cây lúa.