Dám nghĩ, dám làm Sinh ra ở vùng quê nghèo, xung quanh chỉ toàn đồng chiêm nước trũng, mỗi năm làm được 2 mùa lúa, từ nhỏ Thành đã chứng kiến cảnh cánh đồng làng bị bỏ hoang, cỏ dại um tùm. Anh luôn mơ ước thi vào Trường Đại học Nông nghiệp để có kiến thức giúp dân làng thoát nghèo. “Học hết phổ thông trung học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi đành gác lại giấc mơ vào đại học. Nhưng cũng từ đây, cánh đồng chiêm trũng của làng trở thành “đề tài” cho tôi thực hiện ước mơ”, anh Thành chia sẻ. Công việc đầu tiên của anh là lấy những mẫu đất ở thửa ruộng của gia đình để kiểm tra độ pH C (độ chua). Sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, anh dùng cuốc khơi ruộng thành rãnh, mỗi rãnh cách nhau 2-3,5m, sau đó tháo cạn nước để gieo đỗ tương theo hàng lúa. “Trước khi đưa đỗ tương vào trồng, tôi đã thử nghiệm nhiều loại giống cây ngắn ngày khác như ngô, đậu dây, rau các loại nhưng đều thất bại”, anh cho biết. Năm 2007, kết quả vụ trồng đỗ tương thử nghiệm thật khả quan, năng suất bình quân 12-14kg/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Thấy có hy vọng, anh mạnh dạn mượn ruộng của bà con trong làng để mở rộng diện tích trồng đỗ tương với tổng diện tích hơn 2, 5ha. “Cánh đồng này cách đây 4 năm toàn nước và cỏ dại, nay đã được thay bằng màu vàng bội thu của đỗ tương”, anh Thành hào hứng nói. Làm giàu từ đỗ tương Dưới cái rét như cắt da cắt thịt của buổi sáng mùa đông, mọi người trong làng còn chưa thức dậy, anh Thành đã miệt mài đào đất để be bờ. “Muốn trồng được nhiều giống cây khác nhau, không còn cách nào khác phải chia ruộng thành từng thửa để thuận tiện cho việc cấp thoát nước, xây dựng hệ thống mương, bờ bao, cải tạo đất”, anh Thành nói. Cầm những nắm đỗ tương hạt chắc nịch vừa thu hoạch, người “kỹ sư” nông dân này chia sẻ: “Lượng khách đặt mua đỗ tương của gia đình tôi tăng liên tục trong những tháng cận Tết. Hiện gia đình tôi đã trồng được hơn 20 mẫu đỗ tương, năng suất 70 -75kg/sào, với giá bán 12.000 - 16.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi 7 - 9 triệu đồng/mẫu” (1 mẫu Bắc Bộ = 3.600m2). Thấy anh Thành trồng đỗ tương thành công, bà con ở thôn Nội cũng làm theo, đến nay đã có 90% diện tích ruộng bỏ hoang được cải tạo để trồng đỗ tương. Chị Hoàng Thị Xuân, người dân thôn Nội cho biết: “Từ khi cải tạo đất theo cách làm của anh Thành, ruộng nhà tôi không những trồng được đỗ tương mà còn trồng nhiều loại rau màu khác, thu nhập bình quân 8 - 10 triệu đồng/vụ”. Không chỉ hướng dẫn bà con cách cải tạo đất, kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc đỗ tương, anh Thành còn xông xáo, lặn lội đến nhiều nơi tìm những loại giống phù hợp với từng chân đất. Tiễn tôi trên con đường hai bên vàng óng những ruộng đỗ tương sắp thu hoạch, anh Thành cho biết, hiện mô hình trồng đỗ tương trên đất chiêm trũng đã được nhân rộng ở nhiều nơi. Anh dự định sẽ thành lập nhóm sản xuất để thuận tiện cho việc canh tác nhiều loại cây trồng, xen canh với đỗ tương Trong tương lai gần, các cánh đồng chiêm trũng ở Duy Tiên sẽ trở thành những cánh đồng “vàng”. |