00:00 Số lượt truy cập: 3041748

Trồng lan làm giàu 

Được đăng : 03/11/2016

Mô hình trồng hoa lan cắt cành, lan chậu hiện đang được nhiều hộ nông dân tại các xã ngoại thành TPHCM áp dụng để chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Tại xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh TPHCM), nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng lan. Và họ đã làm giàu trên chính mảnh đất “nghèo”…


Cải tạo vườn tạp

Đầu năm 2007, sau khi được tham gia khóa tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng do Hội Nông dân TPHCM phối hợp với Hội Nông dân huyện Bình Chánh tổ chức, anh Hồ Hồng Hải (ngụ tại ấp 2, xã Bình Chánh) là một trong những hộ đầu tiên trong xã thực hiện phá bỏ vườn cây ăn trái, san lấp ruộng lúa để chuyển sang trồng lan. Được vay ưu đãi 30 triệu đồng, anh đầu tư mua 200 cây lan cắt cành trồng thử nghiệm. Lứa đầu thu hoạch tuy hiệu quả không cao nhưng đã cho anh nhiều bài học kinh nghiệm quý. Tiếp đó, anh mạnh dạn thế chấp căn nhà hiện đang ở để vay ngân hàng 400 triệu đồng đầu tư vào trồng lan cắt cành, lan chậu.

Vườn lan của anh Hồ Hồng Hải thu hoạch mỗi năm trên 100 triệu đồng. Ảnh: HỒ VIỆT

“Với diện tích 500m² vườn trồng lan, chỉ một năm sau, tôi đã có thu nhập gấp hàng chục lần so với trồng lúa và cây ăn quả trước đó. Lan Mocara cho hoa quanh năm với nhiều màu sắc như tím, vàng, vàng đậm, có thời gian sử dụng lâu nên được thị trường ưa thích và lan Dendro có giá cây giống thuộc loại bình dân là 2 loại chủ lực, chưa kể Ngọc Điểm, Vanda… là loại sang trọng với giá bình quân khoảng 500.000 đồng/cây” – anh Hải phân tích.

Hiện vườn lan anh Hải có tổng giá trị khoảng trên 1,5 tỷ đồng, với hơn 50.000 cây lan các loại. Mỗi năm trừ các chi phí, anh thu lãi khoảng trên 100 triệu đồng. Vườn lan của anh Hải còn tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động và hơn 10 lao động thời vụ, với thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, khi có chủ trương chuyển đổi cây trồng, anh Huỳnh Văn Hai (ở ấp 1) cũng đã mạnh dạn san lấp ruộng lúa để chuyển sang trồng lan. Với 15 triệu đồng từ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo và 15 triệu đồng do Hội Nông dân TP hỗ trợ vốn, anh đầu tư mua cây giống. Được tham gia CLB Hoa lan, cây cảnh của xã, trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu nguyên nhân các bệnh của cây, anh Hai quyết định mở rộng vườn lan lên 500m², trồng nhiều loại lan cắt cành, lan chậu.

Anh Hai tâm sự: “So với trồng lúa thì trồng lan cho thu nhập cao gấp mấy chục lần, cuộc sống gia đình đã dần được cải thiện và ổn định hơn. Sắp tới tôi sẽ học cách tự nhân cây giống để giảm chi phí”.

Nhân rộng mô hình

Theo anh Hồ Hồng Hải, hiện nay nhu cầu tiêu thụ hoa lan tại thị trường TPHCM rất lớn. Ngoài ra, khách hàng từ các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bình Dương… cũng đến tận nơi đặt hàng. Tại nhiều nhà vườn ở xã Bình Chánh, khách hàng đến hợp đồng bao tiêu cả năm. Ngoài việc trồng lan cắt cành thì hiện nay lan chậu cũng đang được khách hàng ưa chuộng.

“Để trồng lan thương phẩm cho giá trị cao, cái khó nhất của nông dân hiện nay là vốn đầu tư ban đầu khá lớn về cây giống (bình quân khoảng 50.000 - 60.000 đồng/cây) và hạ tầng kỹ thuật (hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới nước phun sương…). Bên cạnh đó còn phải hiểu biết kỹ thuật chăm sóc, kinh nghiệm về thời tiết, độ ẩm thay đổi để điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên với nhu cầu thị trường hiện nay thì lan vẫn là loại cây trồng thu hồi vốn khá nhanh” - anh Hải chia sẻ.

Ông Mai Thành Nam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh cho biết, sau khi được tập huấn, nhiều hội viên ở xã đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp thành vườn cây kiểng. Mô hình trồng hoa lan cắt cành đang được nhân rộng ra nhiều hộ trên địa bàn xã và các xã lân cận như Hưng Long, Bình Chánh, Bình Hưng, Phong Phú… Hiệu quả từ mô hình trồng lan đã giúp cho tỷ lệ hộ nghèo ở xã giảm, hộ khá tăng đáng kể.

Để tạo điều kiện cho nông dân đầu tư nuôi trồng lan, Hội Nông dân xã Bình Chánh đã hỗ trợ các thủ tục để các hộ dân vay vốn với mức lãi suất ưu đãi là 6%/năm, trong thời gian 36 tháng. Mặt khác, Hội Nông dân xã cũng đã phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn ngắn hạn, dạy nghề cho 154 học viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lan, thiết kế sân vườn...

Hiện nay xã Bình Chánh có hơn 30 thành viên xin gia nhập CLB hoa lan, cây cảnh, mở rộng diện tích lên 25.000m², thành lập tổ hợp tác trồng lan với 12 thành viên. Xã cũng đã áp dụng kỹ thuật trồng từ cấy mô và trồng theo luống để tăng hiệu quả, giảm chi phí, tận dụng diện tích trồng lan. Xác định đây là hướng chuyển đổi cây trồng chủ lực cho hiệu quả kinh tế cao nên hiện nay xã đang xây dựng đề án thành lập hợp tác xã hoa lan để giúp nông dân mở rộng vườn lan, hỗ trợ cây giống, xử lý kỹ thuật và nhất là tạo đầu ra ổn định cho xã viên. “Với đà phát triển này hoa lan không những giúp cho nông dân xóa nghèo mà có thể làm giàu ngay trên ruộng, vườn của mình” - ông Võ Minh Hiển, Phó Bí thư Đảng ủy xã Bình Chánh, tự tin nói.