00:00 Số lượt truy cập: 2999905

Trồng mía mưng “sống chung” với lũ 

Được đăng : 03/11/2016

Một giống cây trồng mới được nhiều hộ gia đình sống ở các vùng thấp ven sông của xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đưa vào trồng thay thế cho các loại rau màu ngắn ngày là mía mưng. Mía mưng dễ trồng, chịu được úng ngập, đầu tư không cao nhưng cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với nhiều loại rau màu trên đất ngập lũ.


 

Mía tím đất bãi
Anh Lê văn Sơn (sinh năm 1976) ở thôn Ngô Xá Tây, xã Triệu Trung, người có công đầu trong việc nhân rộng mô hình cho hay: Từ một phát hiện tình cờ khi thấy một vài khóm mía mưng anh trồng quanh sân cho con ăn chơi không những không bị chết úng như nhiều cây trồng khác sau các đợt lũ, năm 2008 anh lấy giống trồng thử nửa sào trên đất bãi ven sông. Nhờ có đất bùn phù sa của các đợt lũ hàng năm mà cây mía sinh trưởng nhanh, đẻ nhiều chồi, cây nào cũng mập, qua mùa lũ vẫn không bị thối rễ, chết cây, bán được giá, cho thu nhập cao. Thấy trồng mía mưng hiệu quả anh mạnh dạn chuyển hết đất bãi đang trồng các loại cây khác như vừng, rau, sắn sang trồng mía mưng để tránh lũ nên trong mấy năm gần đây kinh tế gia đình đã ổn định, đã có “bát ăn, bát để”.

Học tập gương anh Sơn, nhiều hộ vùng đất thấp đã lấy cây mía làm cây trồng chính để thâm canh. Không chỉ người dân vùng bãi trồng mía mưng mà nhiều gia đình nội đồng cũng bắt đầu đưa mía vào trồng trong vườn, trên đất ruộng để tăng thêm thu nhập. Mía mưng đã phủ hầu hết các diện tích đất trũng, đất thấp, đất bãi ven sông trước đây chỉ để trồng sắn, lạc, vừng và rau màu nhưng thường bị hà bá cướp mất trắng sau các trận lũ lụt tạo thành màu xanh yên bình và no ấm.

Về kinh nghiệm trồng mía mưng, anh Sơn không ngần ngại chia sẻ: mía mưng Triệu Trung thân thẳng, cao 1,8 đến trên 2m, vỏ mầu tím, ruột trắng, mềm, nhiều nước, ăn ngọt mát mà thơm rất dễ phân biệt với các giống mía tím nhiều nơi khác.

Mía mưng được trồng từ lâu đời ở Triệu Trung nên phù hợp với đất đai, khí hậu ở đây, ít sâu bệnh, dễ trồng, đặc biệt là có khả năng chịu úng lụt rất tốt, ít bị đổ ngã. Thời vụ trồng tốt nhất là sau Tết Nguyên đán, thu hoạch rải rác từ tháng 10 khi có heo may tới đầu năm sau. Nên chọn đất tốt, giàu mùn, tơi xốp, dễ thoát nước để trồng; nếu trồng chỗ thấp nên lên luống cao trên 30cm, đặt ngọn mía gối nhau, vùi đất. Mỗi năm làm cỏ 2 lần, bón phân 3 lần, bóc vỏ 4-5 lần là cho thu hoạch. Trồng mía xong có thể trồng xen canh thêm đậu xanh, lạc, vừng để vừa hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho đất, che nắng cho mía trong các tháng nắng nóng vừa kịp “chạy lũ” Tiểu Mãn (tháng 4, tháng 5) và lụt tháng 7, tháng 8 tăng thêm thu nhập, giúp cây mía trên luống cao chịu úng ngập rất tốt.

Cùng trồng trên một đơn vị diện tích, mỗi gốc sắn trung bình cho 2kg củ, bán được 8.000 đồng trong khi 1 khóm mía ít nhất cho 5 cây bán lẻ 8-10 ngàn đồng/cây, cao gấp 5 lần trồng sắn, gấp 2-3 lần so với cấy lúa và các cây rau màu khác (nếu không bị lũ lụt). Bình quân 1 sào (500m2) trồng loại mía tím này chi phí hết khoảng 2 triệu đồng bao gồm tiền hom giống, phân bón, công bóc lá..., bán được 10 triệu đồng, thực lãi khoảng 8 triệu đồng, tương ứng 160 triệu đồng/ha/năm.

Theo Chủ tịch Hội nông dân xã Triệu Trung Hoàng Hữu Năm, tuy hiện nay cây mía tím Triệu Trung được người dân đánh giá cao, được coi là cây xóa đói, cây làm giàu vì tính hiệu quả nhưng diện tích còn manh mún, nhỏ lẻ, không tập trung, kỹ thuật chưa thống nhất nên hiệu quả chưa thật cao. Điều mong muốn lớn nhất của chính quyền và nhân dân địa phương là được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành, các nhà khoa học trong việc chọn tạo giống tốt, chống chịu được ngập úng dài ngày, xây dựng được qui trình trồng, chăm sóc để tăng năng suất, chất lượng mía, cho thu nhập cao hơn nữa.