00:00 Số lượt truy cập: 2999896

Trồng nấm rơm trái vụ 

Được đăng : 03/11/2016

Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp - Viện KHNN Việt Nam) đã thành công trong mô hình trồng nấm rơm trái vụ tại miền Bắc. Như vậy, thay vì đốt rơm rạ một cách vô cùng lãng phí, bà con nông dân giờ có thể trồng nấm rơm ngay cả trong mùa đông giá rét.


ĐẦU RA KHỎI LO

Những ngày này, đi về bất cứ một vùng quê nào đều thấy cảnh khói bay mù mịt khắp làng đường làng ngõ xóm do bà con đốt rơm rạ sau thu hoạch. Mấy năm gần đây, nhu cầu dùng rơm rạ làm chất đốt hay thức ăn cho trâu bò không còn nên người dân chỉ còn biết đốt đi lấy vài bao tro vãi ruộng.

Ông Đinh Xuân Linh - Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật tâm sự, ông đã đi rất nhiều nơi từ Âu đến Á nhưng nhận thấy chỉ có duy nhất Việt Nam ta nông dân đốt rơm rạ một cách lãng phí đến như vậy. Ông đơn cử như đất nước Hàn Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan… thậm chí họ phải bỏ ra rất nhiều tiền của công sức để trồng cỏ mới có nguyên liệu làm nấm. Đằng này, nước ta có đầy đủ thuận lợi từ khí hậu, nguyên liệu đến nhân công mà vẫn để người dân đốt cháy tài nguyên là có tội. 

Việt Nam là nước duy nhất trên Thế giới đốt rơm rạ một cách lãng phí

Theo ông Linh, đốt rơm rạ là việc bần cùng bất đắc dĩ bởi không chỉ gây ô nhiễm bầu không khí mà còn tiêu diệt vi khuẩn có lợi cho đất trên đồng ruộng, khói rơm rạ hút hết ôxi xung quanh làm chết cá, cây con gần khu vực bị đốt. Thông thường, một sào ruộng thu hoạch được bao nhiêu thóc thì tương đương ngần ấy rơm rạ. Suy đi tính lại, việc đốt rơm rạ nông dân cốt chỉ thu 3 - 4 bao tro. Tro rơm rạ thành phần hoá học chủ yếu là kali nên bón ruộng chưa hẳn đã tốt. Ngược lại, chỉ qua vài khâu xử lí đơn giản, bà con có thể SX được nấm rơm mà vẫn có phân bón ruộng.

Ông Linh chia sẻ, để hạn chế việc đốt rơm rạ tràn lan thời gian vừa qua, Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật đã thành công trong mô hình trồng nấm rơm trái vụ ngoài trời hiện đang áp dụng SX 200 tấn nguyên liệu tại Hải Phòng, năng suất 120 kg nấm rơm tươi/tấn nguyên liệu. Ưu điểm của làm nấm rơm trái vụ ngoài trời, bà con không phải bỏ chi phí xây dựng nhà xưởng mà có thể trồng nấm ngay trên bãi đất trống hay đồng ruộng khô không làm vụ đông.

“Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con yên tâm SX, Trung tâm cam kết phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật và bảo trợ 100% đầu ra cho tất cả sản phẩm nấm theo giá sàn đảm bảo người dân có lãi. Tuy nhiên, nếu bà con tự tiêu thụ được với giá cao hơn thì Trung tâm hoàn toàn khuyến khích”, ông Linh khẳng định.

KỸ THUẬT TRỒNG NẤM RƠM TRÁI VỤ

Ông Linh cho biết, để trồng nấm rơm trái vụ ngoài trời, có thể tận dụng những khoảng đất trống, sân bãi, các khu ruộng khô không làm vụ đông hoặc kém hiệu quả… Sau khi thu hoạch xong vụ mùa, bà con đem phơi khô rơm rạ, nếu trong trường hợp không phơi kịp có thể tiến hành ủ luôn. Dùng 10 kg vôi bột hòa nước tưới cho 1 tấn rơm rạ, ủ 3 - 4 ngày rồi đảo đều và tiếp tục ủ thêm 3 - 4 ngày nữa. Vệ sinh khu đất trống, sân bãi sạch sẽ, rắc một lớp vôi bột xuống nền để xua đuổi côn trùng, ấu trùng có hại, tạo các rãnh thoát nước tương tự như trồng rau, bởi nếu ngập nước nấm sẽ chết.

Trồng nấm rơm trái vụ ngoài trời tại Hải Phòng

Sau khi vệ sinh sân bãi, lót một lớp nilon xuống nền để giữ nhiệt rồi đem rơm đã ủ chất thành mô lên trên. Các mô nấm xếp theo hình luống khoai, mặt đáy rộng 60 cm, cao 40 cm, mặt trên rộng 40 cm và tiến hành cấy giống nấm vào mô. Sau khi cấy giống xong, dùng nilon phủ kín tất cả mô nấm để che mưa và giữ ẩm cho nấm trong mùa đông, đây là yếu tố kỹ thuật vô cùng quan trọng quyết định đến sự thành công của mô hình vì nếu không đủ nhiệt hay bị gió lạnh lùa vào nấm sẽ không ra quả.

Bà con nông dân và các địa phương có nhu cầu SX nấm rơm trái vụ, Trung tâm Cộng nghệ sinh học thực vật sẽ cử người phổ biến kinh nghiệm cũng như chuyển giao kỹ thuật miễn phí. Mọi chi tiết bà con có thể liên hệ Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật, đường Phạm Văn Đồng, Từ Liêm, Hà Nội, ĐT: 0438364296 - 0438386632.

Sau khi phủ nilon bà con lấy rơm rạ mục phủ lên trên để tránh hấp thụ nhiệt ánh nắng mặt trời những ngày nắng nóng bất thường. Hàng ngày tưới ướt lớp rơm phủ để tăng nhiệt cho mô nấm, tránh gió thổi bay hay trẻ con nghịch đốt. Ông Linh lưu ý, hàng ngày bà con nên dùng nhiệt kế chuyên dụng cắm vào mô nấm để kiểm tra nhiệt độ, nhiệt độ lý tưởng cho nấm trong khoảng từ 40 - 45 độ. Nếu nhiệt độ mô dưới 40 độ cần đắp thêm lớp rơm phủ, ngược lại nếu cao hơn 45 độ cần bỏ lớp nilon che ra và ban đêm phải đậy kín lại tránh sương gió.

Sau khi cấy giống được 7 - 8 ngày lột toàn bộ nilon phủ rồi tưới nước vào mô nấm như mưa phùn, tưới xong đậy lại như ban đầu. Đợi 7 - 8 ngày nữa nấm rơm bắt đầu ra quả bà con tiến hành thu hoạch xong rồi lại tưới nước trực tiếp vào mô đậy lại 3 - 4 ngày rồi thu hoạch tiếp 3 - 4 đợt là kết thúc. Sau khi hết vụ nấm, túi nilon bà con giặt sạch cất đi năm sau dùng tiếp, phế thải nấm ủ lại làm phân tốt tương tự phân chuồng.

Ông Đinh Xuân Linh khuyến cáo, thời vụ trồng nấm rơm trái vụ bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Hiện, giá nấm rơm trái vụ dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, cao hơn giá mùa hè từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Năng suất nấm rơm trái vụ hiện nay khoảng 120 - 150 kg/tấn nguyên liệu. Như vậy, một ha lúa có thể thu hoạch trên 800 kg nấm rơm tươi ngay giữa mùa đông giá rét.