Đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Văn Xứng, ngụ ở tổ 7, ấp Thanh An, xã Thanh lương, thị xã Bình Long, hiện ông đang sở hữu 3 sào (0,15ha) quýt đường, mỗi năm thu lãi gần 500 triệu đồng.
Ông Xứng cho biết: Ông quê ở miền Tây lên Bình Long, Bình Phước lập nghiệp bằng nghề trồng cây ăn trái. Ban đầu ông trồng 4 ha nhãn tiêu da bò, nhưng do giá cả không ổn định, chăm sóc rất vất vả phải sử dụng nhiều thuốc BVTV, lao động chính lại chỉ có 2 ông bà đã trên 60 tuổi, hơn nữa mấy năm gần đây bệnh chổi rồng trên nhãn xuất hiện ngày càng nhiều nên năng xuất, chất lượng, thu nhập giảm đáng kể. Cuối năm 2008 về quê chơi, ông quyết định di cư 300 cây quýt đường ghép (15.000 đồng/cây) lên thay thế cho 3 sào nhãn.
Ông Xứng chia sẻ kinh nghiệm trồng quýt: ông đào hố kích thước 40cm x 40cm sau đó cho phân hữu cơ 10kg/gốc. Mật độ trồng là 3m x 3m, (theo ông là hơi dày). Theo ông, quýt đường thích hợp với tất cả các loại đất (trừ đất phèn, đất ngập nước), đất thoát nước tốt, vườn không xịt thuốc hay sạc cỏ mà chỉ dùng máy cắt để giữ độ ẩm, phải đủ nước tưới, khi cây cho thu hoạch 2 ngày ông bón phân tưới nước một lần vì đủ nước quýt sẽ ra bông và cho trái quanh năm, trái mọng, bóng, mẫu mã đẹp, múi không bị khô, phân rắc đều quanh gốc rồi tưới nước (ông đầu tư hệ thống tưới tự động từ trên cao xuống cho 3 sào quýt hết 18 triệu đồng), 10 ngày xịt thuốc xua ruồi một lần (vào mùa nắng, mùa mưa không có ruồi) bằng thuốc sinh học WaterĐona 07 (thành phần chính là: Dầu tỏi-garlic old, tinh dầu xả, phụ gia), từ khi trồng tới nay ông mới bón thêm được một lần phân hữu cơ, vài 3 lần xịt thuốc phòng sâu, bệnh, ngoài ra chưa sử dụng gì thêm vì chưa xuất hiện sâu bệnh hại. Ông Xứng cho biết thêm, về kỹ thuật bón phân thì khi cây chưa cho trái thì ông cũng chăm sóc bình thường như những cây khác, định kỳ bón phân hoá học 2 - 3 lần/năm, đến cuối năm thứ 2 thì quýt cho trái bói. Từ năm thứ 3 trở đi cây cho thu hoạch.
Hệ thống tưới phun tự động
Vườn quýt của gia đình ông cho trái quanh năm, vào mùa mưa chính vụ, ông thu trung bình một ngày gần 1 tấn, mùa khô thu trung bình100kg/ngày. Để chăm sóc vườn quýt, mỗi tháng ông chi hết gần 1 triệu tiền dầu, điện để tưới, 3 bao NPK 20-20-15 TE đầu trâu hết 2.100.000 đồng (nay ông dùng sang phân Nitrophotca của Đức 1 bao 50kg/tháng giá 1.200.000đồng. Với giá bán tại vườn từ 10.000 - 16.000 đồng/kg, năm 2011, với 3 sào quýt ông thu về trên 400 triệu đồng.
Hiện nay ông đang trồng thêm 300 gốc quýt và 300 gốc bưởi nữa. Ông thật thà cho biết: So với trồng nhãn thì thu hoạch 3 ha nhãn không bằng 300 gốc quýt đường, còn so với trồng cây cao su thì thu nhập từ 3 sào (0,15 ha) quýt đường bằng 5-7 ha cao su.
Cây quýt thích nghi rộng, dễ chăm sóc, đầu tư thấp vì vậy bà con nông dân có ít đất sản xuất nên quan tâm đến mô hình này. Tuy nhiên, để đảm bảo thu nhập ổn định cho bà con nông dân, giá cả ít biến động thì các ngành chức năng cần nghiên cứu thị trường tiêu thụ, từ đó quy hoạch ổn định vùng trồng quýt, đảm bảo chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá.