Anh Năm Cảnh (Trà Nóc - TP.Cần Thơ), người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rau nhút cho biết: “Nguồn nước năm nay rất thuận lợi cho rau nhút phát triển. Rau nhút thích hợp với môi trường nước nhiều phù sa. Mỗi khi đến mùa nước nổi, tôi lại bắt đầu vào mùa trồng rau nhút vì chi phí khá thấp, rau nhanh cho thu hoạch, nếu chăm sóc tốt thì sẽ có thu nhập thường xuyên”. Theo anh Cảnh, muốn trồng rau nhút đạt hiệu quả cao, trước khi trồng phải bơm nước vào ruộng cao, rồi chọn phần gốc của rau đem cấy xuống ruộng. Khi cấy xong phải cắm một cây trúc nhỏ kế bên, dùng dây buộc gốc rau nhút lại để gió không đẩy đi nơi khác. Thông thường, 10 - 15 ngày sau khi trồng, rau nhút sẽ phát triển và lan rộng ra khắp mặt ruộng. Tiếp đó khoảng nửa tháng, rau nhút bắt đầu cho thu hoạch... Sau mấy tháng ngập lũ, lượng phù sa bám vào rễ rau nhút rất nhiều, vì vậy bên cạnh nguồn lợi kinh tế từ nghề trồng rau nhút, người dân còn có cái lợi khác là sau khi thu hoạch rau xong, thuê máy trục nhấn dây rau nhút xuống đất, góp phần làm tăng độ màu mỡ, giúp nông dân nhẹ vốn đầu tư mua phân bón trong vụ đông xuân. Sau mỗi đợt cắt rau phải bón phân urê để kích thích cho rau mau phát triển. Và cứ 5 - 7 ngày cắt rau nhút đem ra chợ bán môt lần. Được biết, gia đình anh Cảnh tận dụng 2 công ruộng (1 công = 1.000m2) và con kênh sát ruộng trồng rau nhút. Giá bán tại ruộng dao động từ 3.000-4.000 đồng/kg, dùng giống 5.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi được gần 10 triệu đồng. Mô hình trồng rau nhút mùa nước nổi đã giúp nhiều nông dân có thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập.