00:00 Số lượt truy cập: 2626898

Trồng xen đậu, lạc chống bệnh chồi cỏ cho mía 

Được đăng : 03/11/2016
Người dân xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) có cách làm sáng tạo khi trồng xen đậu, lạc trên đất mía. Cách làm này mang lại hiệu quả tích cực, giúp người dân mỗi năm thu thêm hàng chục tấn đậu, lạc, đồng thời giúp chống hạn cho mía và chống bệnh chồi cỏ.


Mô hình trồng xen đậu giữa mía ở Nghĩa Hưng giúp khống chế được cỏ dại, vừa không để lãng phí đất khi cây mía chưa mọc mầm hoặc còn thấp. Ảnh Trần Quốc Thành

Sau khi thu hoạch mía xong, từ tháng 1 đến tháng 2 người dân tận dụng không gian trống giữa hai hàng mía để trồng tỉa các loại cây họ đậu như đậu xanh, đậu đen, lạc.

Ưu điểm của cách làm này là người dân không phải bón phân cho cây đậu, lạc do thừa hưởng được phân từ cây mía và không phải làm cỏ cho cây mía vì các tán đậu, lạc phủ kín giữa các hàng mía, hơn nữa còn hạn chế bệnh chồi cỏ, nhất là khi trồng luân canh.

Thời điểm xuống giống đậu, lạc từ tháng 1 đến tháng 2 cùng lúc với trồng mía vụ xuân và thu hoạch mía xong. Sau từ 2,5 đến 3 tháng thì đậu, lạc cho thu hoạch, trung bình mỗi ha từ 10 đến 15 tạ, trừ chi phí người dân thu nhập 12 đến 15 triệu đồng.

Ông Hoa Văn Lục, xóm 6 xã Nghĩa Hưng mỗi năm trồng 5 sào đất đậu xen mía, ngoài thu nhập từ mía ông còn thu nhập thêm 5 triệu tiền đậu đen. Ông Lục chia sẻ: Trồng đậu trong mía ít công chăm sóc, độ ẩm của đất cao hơn, năng suất mía cao hơn. Sau khi thu hoạch thân lá cây đậu cũng làm phân cho cây mía. Vì vậy năm nào cũng vậy, khi thu hoạch mía xong, hoặc khi trồng mía mới, gia đình lại cày đất trồng xen đậu trong mía.

Chính vì lợi ích kép này mà trong khi nhiều hộ nhiều hộ trồng mía ở Nghĩa Hưng tích cực trồng đậu xen trên đất mía.

Ông Nguyễn Hồng Trường- xóm 10, xã Nghĩa Hưng, một trong những người đầu tiên trồng đậu xen mía cho biết thêm: Mỗi ha đậu xen mía có thể thu hoạch được 10 tạ, lại không tốn công chăm sóc. Bên cạnh đó, việc trồng đậu, lạc xen mía cũng là cách để người dân chống hạn cho cây mía bởi cây họ đậu giúp giữ độ ẩm và lượng đạm trong đất.

Ông Phan Phúc Vinh - CT UBND xã Nghĩa Hưng cho biết: Ngoài thu nhập từ cây đậu, năng suất cây mía trồng xen đậu cao hơn từ 5 đến 7 tạ/ha. Tính ra từ trồng mía và đậu trên một đơn vị diện tích cho thêm thu nhập hơn 10 triệu đồng/ha so với trồng mía độc canh. Hiện tại mỗi năm xã Nghĩa Hưng trồng trên 35 ha đậu xen. Xã sẽ tiếp tục nhân rộng và duy trì mô hình này để giúp nông dân nâng cao thu nhập và cải tạo đất.

Lãnh đạo Sở KH và CN Nghệ An kiểm tra tính hiệu quả của việc trồng lạc trong mía.

Từ mô hình của Nghĩa Hưng, người dân một số xã như Nghĩa An, Nghĩa Khánh, Nghĩa Đức… cũng học hỏi kinh nghiệm đưa cây họ đậu vào trồng xen trên đất mía để tăng thu nhập, cải tạo đất.

Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả và cây công nghiệp Phủ Quì cũng tiến hành mô hình trồng đậu, lạc trong mía ở Nghĩa Hưng và cho thấy rất hiệu quả, là cơ sở để người dân mở rộng diện tích.

Các đơn vị khuyến nông và Viện đậu đỗ thực hiện mô hình cho người dân thực hiện theo

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KH và CN tỉnh cho biết: Đây là mô hình ứng dụng khoa học đơn giản và hiệu quả. Trồng luân canh lạc đạt trên 3 tấn/ha, xen canh đạt 2 tấn/ha, đậu đen đạt 1,5 tấn/ha, đậu tương đạt 1 tấn /ha. Mô hình có giá trị hạn chế bệnh chồi cỏ khi thực hiện luân canh.

Đinh Thùy