00:00 Số lượt truy cập: 2637487

Trữ lúa giống dưới lòng sông 

Được đăng : 03/11/2016

Đó là sáng kiến của anh Nguyễn Thiện Tâm, TGĐ Cty DV cây trồng Bình Minh, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn – An Giang. Quê gốc của anh ở quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, năm 1990 lên Tri Tôn – An Giang lập nghiệp.


Ban đầu anh được nhà nước cấp 1 ha đất do có công khai hoang phục hóa. Qua thời gian cải tạo, thau chua rửa phèn, cộng thêm tính cần cù chịu khó của hai vợ chồng nay anh sở hữu trong tay trên 40 ha đất lúa chuyên sản xuất giống, hơn thế anh còn thành lập Cty tư nhân chuyên tư vấn kỹ thuật trồng, nhân lúa giống, mỗi năm cung cấp cho thị trường ở ĐBSCL gần 5.000 tấn lúa giống nguyên chủng và xác nhận với hơn 300 bộ giống.  

Anh Tâm bên những bao lúa giống nguyên chủng chuẩn bị đem ngâm trữ dưới nước

Nghề sản xuất giống, khó khăn nhất là kho tàng tích trữ và phải xử lý thuốc không cho mối mọt cắn phá, nhiệt độ trong kho phải luôn ổn định mới bảo quản giống tốt. Chi phí trữ giống quá cao là nỗi băn khoăn nhất của anh Tâm trong nhiều năm làm công tác dịch vụ nhân giống lúa.

Giữa năm 2007, tình cờ anh đi ngoài đồng coi người làm đất chuẩn bị trồng lúa giống, anh thấy những hạt lúa cỏ nằm trong lòng đất chịu đựng 3 tháng nước lũ khi được đem lên bờ chỉ sau 1 tuần cây lúa vẫn nẩy mầm phát triển tươi tốt. Từ đó anh tự hỏi sao không nghĩ ra cách đưa lúa giống xuống sông để bảo quản được lâu khỏi tốn diện tích kho bãi. Đầu năm 2008, anh bắt tay vào thử nghiệm đưa lúa giống ngâm trữ dưới nước bằng hệ thống bao chống ngấm. Ban đầu chưa có kinh nghiệm anh mua loại túi nilon cỡ lớn (giống như các loại bao đựng phân bón), cho lúa giống vào đầy bao xiết chặt miệng rồi lại bỏ vào cái bao đựng lúa nông dân sử dụng.

Qua thời gian cất giữ lúa dưới lòng sông khoảng 3 tháng, anh đem lên kiểm tra hạt lúa trong bao không đạt ý muốn, độ ẩm cao, lúa giống khi đem đi ngâm ủ chỉ đạt khoảng 60% độ nẩy mầm. Anh vẫn chưa chịu thua, vài tháng sau tình cờ đi dự lớp tập huấn trên Viện Lúa ĐBSCL, anh thấy cách bảo quản lúa giống do TS Dương Văn Chín đưa ra cũng bỏ lúa vào trong túi nilon buộc miệng kín nhưng hút hết không khí trong bao ra tạo chân không. Thế là anh về nhà tiếp tục nghiên cứu một lần nữa. Anh mua loại túi PE dầy khoảng 2mm, cho lúa vào túi hút hết không khí bằng hệ thống máy hút ép chân không, dập miệng bao. 

Theo PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL: Cách trữ lúa giống trong nước là cách làm hay nhằm để giữ lúa không bị tác động của môi trường xung quanh và giúp hạt có độ nẩy mầm tốt. Hiện nay, Viện đang trong giai đoạn thực nghiệm để đưa ra lời giải đáp thông số khoa học cụ thể, để phổ biến rộng rãi.

Bao bên ngoài anh dùng loại bao đựng lúa dày hơn so với các loại bao đựng lúa thông thường, chịu được nước và chống rong rêu đeo bám. Anh ngâm lúa trong nước gần 12 tháng thì đem lúa lên bờ, ngâm ủ thử thấy lúa đạt độ nẩy mầm bình thường. Anh tiếp tục ngâm lúa với thời gian dài hơn là 24 tháng, khi đem lên ngâm ủ lúa vẫn có độ nẩy mầm đạt 95-99%. Từ đó anh đột phá thành công việc ngâm trữ lúa dưới lòng sông thay thế cho kho chứa và đem lại chất lượng hạt lúa giống có độ nẩy mầm cao.

Hiện nay, anh đang cho người đào một cái ao khoảng 500m2, có độ sâu gần 8m có thể trữ hàng trăm tấn lúa giống trong đó. Anh Tâm nói, bao lúa giống khi đóng vào thùng lưới sắt rồi nhấn chìm trong nước càng sâu càng tốt, khi lấy lúa lên đem đi gieo sạ độ nẩy mầm sẽ đạt cao. Tốt nhất ngâm trữ lúa dưới nước với độ sâu từ 4-5m là tốt nhất, với cách làm này có thể trữ lúa được lâu 24 tháng.