Báo cáo mới nhất của hai chuyên gia nông nghiệp hàng đầu Trung Quốc Wang Ximin và Zhao Huanxin cho thấy các sản phẩm hạt giống của các công ty nước ngoài đang ngày càng lấn lướt giống của các đơn vị trong nước.
Người dân tỉnh Sơn Đông phân loại ớt để đưa vào hệ thống siêu thị
Ông Liu Mingshan, nông dân chuyên trồng rau ở thị trấn Daotian, quận Shouguang, tỉnh Sơn Đông - nơi được mệnh danh là thủ phủ rau xanh của cả nước cho hay, hiện nông dân ưa dùng các loại hạt giống của nước ngoài hơn vì năng suất cao, khả năng chống chịu bệnh tốt hơn so với giống nội. Đặc biệt là các giống lai ghép mới nhập từ nước ngoài vừa ngon lại vừa bán được giá cao.
Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, qua khảo sát tại Sơn Đông cho thấy, diện tích canh tác bằng giống nhập nội đã chiếm quá nửa, trong khi đó các đơn vị nghiên cứu sản xuất giống rau trong nước vẫn loay hoay và ngày càng tỏ ra khó cạnh tranh.
Chỉ riêng tại quận Shouguang, đã có trên 1 triệu hộ nông dân làm nghề trồng rau nhưng đã có tới trên 80% số hộ lựa chọn các giống ngoại vào cơ cấu thời vụ. Nhiều nhất phải kể đến các giống cà chua, dưa chuột, ớt ngọt, cà và các giống dưa khác nhau được các công ty nước ngoài tiếp thị và cung cấp tận nơi.
Theo ông Tang Mingtao, Phó phòng Khoa học công nghệ huyện này, ước tính hàng năm nông dân địa phương phải bỏ ra không dưới 300 triệu nhân dân tệ, tương đương 47 triệu USD để nhập khẩu hạt giống. Tuy nhiên hai phần ba trong tổng mức lợi nhuận từ nghề này đã bị chuyển sang túi của các công ty nước ngoài.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trong số 10 công ty hạt giống hàng đầu thế giới thì ba công ty Syngenta (Thụy Sỹ), Rijk Zwaan (Hà Lan) và Hazera (Israel) đang đóng vai trò quan trọng tại thị trường Trung Quốc. Hiện các công ty này đều đã thiết lập các dây chuyền nghiên cứu - sản xuất và phân phối rất đồng bộ tại các vùng trồng rau trọng điểm trong nước.
Giống rau, quả ngoại ngày càng lấn lướt do vượt trội về khả năng kháng bệnh cũng như năng suất, chất lượng |
Còn nhớ hồi tháng 7 năm 2009, khi dịch bệnh virus trên lá tàn phá cây cà chua ở Sơn Đông nhưng không hề có một chuyên gia trong nước nào tư vấn cho nông dân kịp thời. Trong khi đó dù mới chân ướt chân ráo thâm nhập thị trường Trung Quốc nhưng các chuyên gia nông học của Công ty Hazera Genetics đã tranh thủ tiếp thị hàng loạt giống mới năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chống chịu bệnh hơn hẳn hệ thống giống cũ. Từ đó người nông dân chuyển hẳn sang mua giống ngoại mặc dù giá cao gấp hơn hai lần giống trong nước.
Trước tình hình này, trong ngành nông nghiệp đã từng có những cuộc mổ xẻ gay gắt vì lo ngại nguy cơ “độc chiếm thị trường” của các doanh nghiệp nước ngoài. Thậm chí có nhiều ý kiến còn nhận xét, Trung Quốc đã thất bại trong “cuộc chiến trên mặt đất”. |
Giáo sư Shen Huolin, chủ nhiệm Khoa Nông học, Trường Đại học Bắc Kinh cho hay, thực trạng yếu kém của ngành nghiên cứu hạt giống rau quả trong nước thậm chí còn được nông dân đặt ra những câu hò vè về độ thiếu tin cậy so với giống ngoại. Trên thực tế thì sau 12 năm thành lập và bắt tay vào công tác nghiên cứu, đơn vị này chỉ phát triển thành công được có một giống ớt sừng mang tên Zhongshou-12 là có khả năng cạnh tranh với các giống nhập nội.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc Liao Xiyuan, năm 2010, nước này phải nhập khẩu tới xấp xỉ 100.000 tấn hạt giống rau các loại để sản xuất ra 650 triệu tấn sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Sự “lấn sân” của hạt giống ngoại ngày càng thể hiện rõ hơn khi tính từ đầu năm nay đến tháng 12 này, số tiền bỏ ra nhập giống rau đã lên tới 121 triệu USD, cao gấp 3,1 lần so với hồi năm 2004. Hiện thị phần của các công ty nước ngoài tại Trung Quốc đạt 15%, riêng tại Sơn Đông đã tăng lên trên 20% cho dù giống ngoại luôn cao hơn giống nội nhiều lần.