00:00 Số lượt truy cập: 2991839

Trung Quốc: Tích tụ đất đai được hỗ trợ cơ sở hạ tầng 

Được đăng : 03/11/2016
Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích người dân tích tụ đất đai để sản xuất lớn, đặc biệt là ở những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá.  

Thành lập hiệp hội để tích tụ

Trước đây, làng Can Đường, thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Song Lưu, tỉnh Tứ Xuyên trồng một loại cây nổi tiếng là tì bà nhưng vẫn quẩn quanh đói nghèo. Đó là do làm ăn manh mún, thiếu khoa học kĩ thuật (KHKT), làm cho chất lượng sản phẩm thấp. Vì thế, những thanh niên khoẻ mạnh dần bỏ làng ra thành phố kiếm sống, để lại những ông bà già đánh vật với  ruộng vườn. Và đã có rất nhiều nông dân, trong đó có anh Bối Tôn Thúc từng bi quan: Nông thôn sẽ không thể thoát nghèo, làm giàu được trên chính mảnh đất quê hương mình.

Cho đến một hôm anh Thúc xem truyền hình nông nghiệp nói về quả tì bà có thể chế biến thành bột làm thực phẩm, anh nói với bà con đã có hướng phát triển cây tì bà và mọi người đưa giống mới vào, đầu tư thêm KHKT. “Nhưng nói với bà con thế, họ đâu có dễ nghe theo mình. Cuối cùng chỉ có tôi và mấy hộ dân làm. Đúng lúc đó, Chính phủ Trung Quốc có chính sách cho tích tụ đất đai, thế là tôi vận động những người dân có máu làm giàu bằng cây tì bà thành lập một hiệp hội để có nhiều vốn thuê đất làm. Mỗi người vào hiệp hội phải góp, trước mắt 10.000 ngàn NDT (khoảng 26 triệu đồng). Tiền đó dùng để thuê đất và mua giống mới về trồng”, anh Bối Tôn Thúc cho biết.

Hiệp hội trồng tì bà hoạt động theo cơ chế góp vốn, không khống chế số người góp vốn. Ai góp vốn nhiều thì được hưởng cổ tức nhiều. Anh Bối Tôn Thúc góp vốn nhiều nhất và được bầu làm chủ tịch. Sau khi có tiền, anh bắt đầu thuê đất của dân. Giá mỗi một mẫu (tương đương với 660m2) là 5-6.000 ngàn NDT cho thời hạn 5 năm, tức mỗi năm khoảng 1.000-1.200 ngàn NDT tuỳ từng loại đất. Anh Thúc bảo: Những năm trước đây, khi lao động ở làng Can Đường chưa ra thành phố kiếm sống nhiều thì việc thuê đất của dân rất khó, thậm chí giá nào dân cũng không bán, nhưng nay thì rất nhiều người dân muốn cho thuê do làm không mang lại hiệu quả. Vì thế, chúng tôi không mất nhiều thời gian để có được 1.000 mẫu đất. Việc thuê đất được thoả thuận giữa đại diện hiệp hội và hộ dân nhưng có chính quyền làm trọng tài".

Khi được hỏi, vì sao lại chỉ thuê đất của dân có 5 năm, làm như vậy thì có đảm bảo đủ thời gian để thu hồi vốn khi mà phải đầu tư lớn không? Anh Thúc cho biết: Ở Trung Quốc, Chính phủ chỉ giao đất cho nông dân 30 năm. Bản thân chúng tôi cũng không dám thuê trên 30 năm, ngược lại người dân cũng không cho chúng tôi thuê ngần ấy năm nên chúng tôi chỉ thuê 5 năm, tức là đúng một vòng đời của cây tì bà. Tất nhiên, có điều khoản mở là nếu tiếp tục thuê đất thì có thể thoả thuận tiếp với dân. Trung Quốc có Luật Nông nghiệp quy định, nếu vùng sản xuất hàng hoá được quy hoạch trồng cây gì thì buộc phải trồng cây đó, không được trồng các loại cây khác. Vì thế, việc thoả thuận với dân để tiếp tục thuê đất sẽ tương đối đơn giản.

Trong trường hợp nông dân quyết lấy lại đất, không cho chúng tôi thuê nữa thì lúc đó Hiệp hội trồng cây tì bà sẽ làm nhiệm vụ hỗ trợ kĩ thuật, thị trường cho dân. Và nếu lợi nhuận của Hiệp hội ít đi thì sẽ còn ít người góp vốn và họ chuyển sang góp vốn cho người khác. Còn vùng chuyên canh thì Chính phủ quy hoạch cứng rồi, đầu tư cở sở hạ tầng rồi, chả ai xoá bỏ được - Chủ tịch Hiệp hội trồng cây tì bà Bối Tôn Thúc. 

Những nông dân trồng cây tì bà ở đây được chúng tôi đào tạo qua truyền hình. Nhiều vùng trồng cây khác ở tỉnh Tứ Xuyên này cũng thế. Đào tạo qua truyền hình báo chí được 30%, trong đó có 1/3 nông dân sau khi đào tạo sẽ trở thành cán bộ kĩ thuật nông nghiệp cho nhà nước, còn lại họ trở thành cán bộ kĩ thuật cho gia đình họ - Hiệu trưởng trường PTTH nông nghiệp Tứ Xuyên Tăng Ngọc Văn.

Lợi cả đôi đường

Với chính sách hiện hành cho những người tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp hàng hoá, 1.000 mẫu đất của anh Thúc được Chính phủ đầu tư đường, hệ thống thuỷ lợi và nhà lưới. Theo Luật Nông nghiệp và Luật Khuyến nông của Trung Quốc, với những diện tích đất đai được tích tụ sản xuất hàng hoá lớn, Chính phủ sẽ cử cán bộ khuyến nông xuống giúp nông dân về mặt kĩ thuật miễn phí. Hiệp hội của anh Thúc chỉ phải bỏ tiền ra thuê đất, cải tạo lại, đầu tư giống mới, thuê người làm và tìm kiếm thị trường. Như vậy, có thể thấy, chính sách hiện hành của Trung Quốc đối với tích tụ đất đai, phát triển nông nghiệp hàng hoá của nông dân hết sức ưu đãi và cũng cực kì kín kẽ.

Tôi có hỏi anh Thúc: Khi tích tụ đất đai như thế này, có sợ những nông dân nghèo cho thuê đất trở nên bần cùng không? Anh Thúc cười: Chính phủ hỗ trợ tiền cho chúng tôi làm toàn bộ cơ sở hạ tầng, nhưng đó là điều kiện để bắt buộc chúng tôi phải trả cho nông dân nhượng đất cho mình với giá cao và phải sử dụng lao động là nông dân đã cho mình thuê đất. Vì thế, tính ra thu nhập hiện nay của nông dân đã nhượng đất cho mình cao gấp rưỡi, gấp đôi so với việc họ tự canh tác. Anh Thúc lấy ví dụ: Một hộ ở đây trung bình có ba mẫu đất, cho tôi thuê một năm đã được khoảng 3.500 NDT. Một người làm thuê cho tôi được trả công 1.000 NDT/ tháng, như vậy một năm họ đã có 15.500 NDT, cao gần gấp đôi so với trước đây họ tự làm".

1.000 mẫu tì bà nằm trên một vùng trung du, đất không phải tốt nhưng cây tì bà thì cực tốt và cho năng suất rất cao. Thi thoảng, chúng tôi gặp những người nông dân nhặt cỏ hay tỉa cành bên cạnh những kĩ sư nông nghiệp hướng dẫn. Đồng hồ điểm 12 giờ trưa, họ mới nghỉ. Thăm làng Can Đường, đường xá, nhà cửa đều rất khang trang và truyền thống văn hoá của làng gần như được giữ nguyên vẹn từ nếp nhà đến lối sống. Hiện nay, 65% số hộ nông dân cho anh Thúc thuê đất đang làm thuê cho anh. 35% còn lại ra thành phố làm thuê. Thu nhập trung bình của mỗi người dân ở đây khoảng 10.000 tệ/năm. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp Tứ Xuyên cho biết: Ở Tứ Xuyên đang ngày càng có nhiều vùng nông thôn vươn lên giàu đẹp như Can Đường. Chính phủ có chính sách tốt, nông dân có đủ thông tin và kiến thức để dám vận dụng vào thực tiễn thì sẽ thắng lợi.