Trung Quốc vừa quyết định đưa vào trồng đại trà giống lúa biến đổi gien (GM) đầu tiên được phát triển trong nước, mở đường cho các nước sản xuất lúa gạo chủ chốt khác trên thế giới chấp nhận công nghệ đang còn gây tranh cãi này.
Ủy ban An toàn Sinh học thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học cho giống lúa GM có tên gọi Bt có khả năng kháng sâu bọ. Nhà khoa học Huang Jikun thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết giống lúa Bt do Trường Đại học Huazhong phát triển sẽ giúp giảm bớt việc sử dụng thuốc trừ sâu tới 80%, đồng thời tăng năng suất khoảng 8%. Trung Quốc vẫn đang trồng thử nghiệm giống lúa GM này và dự kiến sẽ đưa vào trồng đại trà trong vòng 2-3 năm tới.
Theo các chuyên gia, việc chấp thuận giống lúa Bt sẽ cho phép Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ gạo hàng đầu thế giới, trồng thêm lúa trong bối cảnh đất đai bị thu hẹp và nguồn nước bị cạn kiệt.
Ông Robert Zeigler, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), hy vọng sau khi Trung Quốc chấp thuận lúa GM, các nước khác sẽ gặp thuận lợi hơn trong việc chấp thuận. Iran và Ấn Độ cũng đang phát triển giống lúa Bt và Philíppin có thể chấp thuận Giống lúa Vàng GM giàu vitamin A do IRRI phát triển vào cuối năm 2011 hoặc đầu năm 2012.
Trung Quốc, nước muốn tăng sản lượng ngũ cốc thêm 8% lên 540 triệu tấn vào năm 2020, đã đầu tư rất lớn cho nghiên cứu về các loại cây trồng GM, trong đó riêng gạo, ngô và lúa mì đã "ngốn" hết 3,5 tỷ USD.
Ông Kiattisak Kanlayasirivat thuộc Công ty Novel Agritrade Co Ltd của Thái Lan hy vọng sẽ không xảy ra nỗi lo thiếu gạo trong tương lai khi chúng ta có thể sản xuất rất nhiều gạo và chính Trung Quốc sẽ không phải nhập khẩu thêm gạo. Giá gạo trắng có thể trở lại mức 200-300 USD/tấn khi nguồn cung tăng lên đáng kể. Giá gạo trắng 100% loại B của Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và là nhà cung cấp chủ yếu cho nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc, được giao dịch ở mức 565 USD/tấn trong tuần qua.
Tuy nhiên, Tổ chức Hoà bình Xanh lại gọi động thái của Trung Quốc là "cuộc thí nghiệm gen nguy hiểm" và lo ngại nước này không thể kiểm soát được lúa GM được trồng trên quy mô lớn. Hơn nữa, xuất khẩu gạo GM có thể sẽ đối mặt với sự xem xét kỹ lưỡng ở nước ngoài. Phần lớn gạo Trung Quốc xuất sang Hàn Quốc và Tây Phi, nhưng họ cũng có khách hàng từ Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ.
Hồi tháng 7/09, Uỷ ban châu ÂU (EC) nói rằng Trung Quốc cần siết chặt kiểm soát xuất khẩu bởi trong gạo xuất khẩu có thể lẫn gạo Bt-63, được làm từ giống lúa GM chưa được cấp phép ở Liên minh châu Âu.