Hiện nay, tại các xã Thuận Hưng và Trung Kiên (huyện Thốt Nốt), Nông trường Sông Hậu (thuộc huyện Cờ Đỏ) nhiều nông dân trồng nấm rơm với diện tích khá lớn. Trong đó, xã Thuận Hưng được xem như là “xứ sở nấm rơm”, do ở đây nông dân trồng nấm rơm quanh năm. Nguyên liệu rơm làm nấm được thu mua tại chỗ và các tỉnh lân cận như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... Sau khi thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân, nhiều nông dân đã vội đốt đồng để gieo sạ lại vụ mới. Vì thế, nguyên liệu rơm làm nấm giảm mạnh, diện tích trồng nấm rơm cũng giảm. Nguồn cung nấm rơm tươi ít nên giá cao.
Anh Lê Văn Út, ở xã Thuận Hưng, đang trồng 3.300m2 nấm rơm, phấn khởi nói: “Nấm tươi được giá 10.000 đồng/kg là tôi mừng rồi vì đã có lời. Đến nay, tôi đã thu hoạch gần dứt điểm đợt nấm này, bán được giá 12.000-13.000 đồng/kg, tính ra lời được khoảng 5 triệu đồng”. Còn anh Huỳnh Văn O, ở ấp Tân Lợi 3, xã Thuận Hưng, vụ này trồng được 800m2 nấm rơm. Hiện nay, anh thu hoạch gần dứt điểm, trừ chi phí đầu tư, vụ này anh cũng lời được khoảng 2 triệu đồng. Nhiều nông dân khác cho biết: Chỉ cần bỏ ra 2 tháng để ủ rơm, chất nấm và thu hoạch. Với giá nấm cao như hiện nay, nếu trồng trúng, nông dân thu lời 1,5-2 triệu đồng/ 1.000 m2 trồng nấm. Hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trồng lúa.
Không chỉ trúng giá, người trồng nấm rơm ở Thốt Nốt và Nông trường Sông Hậu còn phấn khởi do đầu ra nấm rơm những năm gần đây khá ổn định. Tại cầu sắt Thơm Rơm (xã Thuận Hưng) có điểm thu mua nấm rơm thu hút nông dân trồng nấm ở Thốt Nốt, Nông trường Sông Hậu, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ chở hàng đến bán. Tại đây, hiện có gần 30 bạn hàng, thu mua bình quân khoảng 2-3 tấn nấm rơm tươi/ngày để đưa đi TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.
Anh Nguyễn Hoài Hận, bạn hàng thu mua nấm rơm tại điểm thu mua ở cầu sắt Thơm Rơm, cho biết: “Thị trường TP Hồ Chí Minh “ăn hàng” với số lượng lớn. Nấm rơm đưa đi bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Nhưng giá bán tại đây cũng tùy theo nguồn cung. Ngày nào bạn hàng các tỉnh chở hàng lên nhiều, dội hàng thì giá rẻ, ngược lại thì giá cao. Giá cả tại điểm thu mua ở cầu sắt Thơm Rơm cũng vậy, tùy theo nguồn cung ít hay nhiều, bạn hàng sẽ đấu giá để mua nấm”.
Mặc dù có đầu ra ổn định nhưng giá nấm rơm vẫn còn bấp bênh nên nhiều người trồng nấm cũng chưa thật sự an tâm. Anh Huỳnh Văn O, ở ấp Tân Lợi 3, xã Thuận Hưng, cho biết: “Hiện nay, trồng nấm rơm không sợ không bán được, chỉ sợ giá giảm ở mức thấp sẽ bị lỗ. Như vụ này trồng thì có lời vì nấm có giá cao do có ít người trồng. Nhưng các vụ trước, có vụ tôi bị lỗ 2-3 triệu đồng/vụ do giá nấm thấp. Nếu trồng vào các tháng 7, 8 và tháng 9 âm lịch rất dễ bị lỗ vì thời điểm này có nhiều người trồng nấm, bị dội hàng nên giá nấm rất thấp”.
Tại điểm thu mua nấm ở cầu sắt Thơm Rơm, ngày nào lượng hàng về nhiều, bạn hàng sẽ ép giá thu mua xuống để thu lời. Ngược lại, những ngày ít hàng, có lúc thương lái phải đấu giá, có lúc giá nấm lên đến 17.000-20.000 đồng/kg. Ngoài giá cả bấp bênh, yếu tố thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ đến mức lời, lỗ của người trồng nấm. Vào các tháng mưa thường nấm hay bị dộp, chất lượng không tốt, năng suất thấp. Người trồng nấm thu lời thấp hoặc không có lời.