Đến bản Tháu, đâu đâu cũng thấy màu xanh của núi rừng. Tận dụng thế mạnh này, ông trở thành hộ đầu tiên phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Cách nuôi ong của ông vẫn theo cách truyền thống, không tốn nhiều công sức mà đổi lại, mật ong làm ra là thứ mật ong rừng thứ thiệt. Quanh nhà, ông để sẵn 11 tổ ong cải tiến chờ hàng trăm đàn ong lớn, bé mang hương hoa, mật ngọt từ rừng về. Hữu xạ tự nhiên hương, chẳng bao lâu, mật ong của gia đình ông được nhiều khách gần xa tìm đến mua. Ông cho biết, bình quân mỗi năm ông thu được gần 200 lít mật. Với giá bán trên thị trường hiện nay, ông thu trên 20 triệu đồng/năm. Thấy ông nuôi ong mật hiệu quả, các hộ dân trong bản nô nức làm theo. Đến nay, 80% số hộ trong bản đã phát triển nghề này. Bản Tháu ít ruộng, ông còn vận động bà con phát triển chăn nuôi, nghề rừng, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên cho bản thêm giàu, thêm đẹp. Riêng gia đình ông hiện có 15 con trâu, bò, khoanh nuôi và trồng rừng với diện tích 2ha. Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, ông Tường còn hết lòng với mọi công việc của bản. Bản Tháu có 45 hộ gia đình thì 100% số hộ đều sinh hoạt trong nếp nhà sàn truyền thống. Mấy năm trước, có một vài gia đình kinh tế khá giả muốn bỏ nhà sàn, làm nhà xây. Với cách vận động, thuyết phục thấu tình đạt lý của ông, các hộ này đã vui vẻ giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống. Chín năm làm trưởng bản, ông Tường đã có những đóng góp tích cực cho làng bản. Ông vận động bà con trong bản thực hiện tốt chính sách về dân số, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Tuyên truyền, vận động các gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường, không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn. Đến nay, 100% hộ dân bản Tháu đã di dời chuồng trại cách xa nơi ở và đưa gia súc đến nơi chăn thả tập trung. ông cũng tham gia vận động, góp sức đưa cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” tại bản Tháu đi vào nề nếp, tạo diện mạo mới cho bản làng. |