Mua rắn giống ở ngoài… thiên nhiên!
Vào thời điểm đầu năm 2009, một con rắn Long Thừa (còn gọi là rắn ráo trâu) bán ngoài trại giống có giá lên đến 1 triệu đồng. Thấy thị trường tiêu thụ rắn dễ mà giá bán lại cao, nhiều bạn bè nuôi rắn cũng rất hiệu quả nên Tư Lợi tin rằng, đầu tư vào nuôi rắn nhất định sẽ có lãi. Nhưng ông lại không có nhiều tiền để mua giống.
Tư Hơi nghĩ tới việc đi bắt ngoài tự nhiên. Lần mò từng bụi rậm để tìm bắt rắn, cuối cùng ông bắt được 2 con rắn Long Thừa , 1 đực, 1 cái để khởi nghiệp.
Ông Tư Lợi khởi nghiệp chỉ từ những thứ sẵn có ngoài tự nhiên
“Mình muốn mua dữ lắm nhưng hồi đó mình khổ sở, đâu có vốn để nuôi. Mình thấy người ta nuôi mình cũng muốn nuôi. Khi minh bắt được con rắn là mừng rồi, thay vì người ta đem đi bán hay xào ăn, mình tiết kiệm lại để mình nuôi.”- Tư Hơi kể lại.
Có đôi rắn, ông kiên trì đi bắt những con mồi tự nhiên như ếch, nhái… ngoài đồng về cho rắn ăn, tập cho chúng quen dần hơi người. Sau 4 tháng nuôi, cặp rắn đầu tiên có thể cho bán thịt. Nếu bán liền, ông có thể thu 2 triệu nhưng ông không bán mà giữ lại cho sinh sản để tăng đàn.
Nuôi ếch để chủ động nguồn thức ăn
Lứa đầu tiên ông được 28 rắn con. Ông giữ 8 rắn nái lại tiếp tục cho sinh sản. Song song đó, ông nuôi lớn rắn đực để bán thịt. Số tiền bán rắn đực gần 20 triệu đồng dùng để đầu tư rắn nái sinh sản.
Tuy nhiên, khi mà rắn tăng đàn dần dần thì nguồn mồi đi bắt ngoài tự nhiên không thể nào cung cấp đủ.
Rắn nuôi của ông Tư Lợi
Ông tính, chỉ có đầu tư nuôi ếch, ông mới chủ động được nguồn thức ăn cho đàn rắn. Nghĩ là làm. Năm 2010, ông quyết định bỏ 15 triệu đồng, mua 150 cặp ếch giống để thả nuôi.
“Hồi đầu tiên bắt được mấy con rắn nuôi lớn, rồi rắn nó tăng đàn lên, lúc đó đi soi đi rọi, đi kiếm mồi ngoài đồng cũng không đủ cho nó ăn. Thấy anh em người ta nuôi ếch hiệu quả, mình mê quá rồi cũng học hỏi nuôi thử.”- Ông Tư Hơi nói.
Không dễ dàng như lúc khởi đầu nuôi rắn và cũng không đạt hiệu quả như những người nuôi ếch xung quanh, đàn ếch của Tư Lợi chết hàng loạt ngay từ lứa đầu tiên. Hơn 15 triệu tiền đầu tư mất trắng, nguồn thức ăn cho rắn theo đó thiếu hụt trầm trọng.
Tuy nhiên, ông không nản mà mày mò tìm hiểu nguyên nhân. Kiên trì nghiên cứu tài liệu, cuối cùng ông đã tìm ra cách. Từ 1 ao lớn 4mx20m, ông chia thành 10 ao nhỏ.
Tư Hơi nhìn nhận lại: “Hồi trước kia cái ao lớn, ngang 4m dài 20m, nuôi nhiều lắm, cho nở ra 5000-10000 con nhưng rốt cuộc nó còn lại chỉ 2000 à, nó ăn nhau vậy đó. Tại mình không có làm cái ao kế cận để san sẻ nó ra. Giờ mỗi ao ếch nó bằng nhau, không con nào giành ăn với con nào là nó hiệu quả.”
Hiệu quả từ nuôi rắn kết hợp nuôi ếch
Được chia ở các ao nuôi với các kích cỡ khác nhau, ếch phát triển tốt. Cũng nhờ chia nhiều ao mà trong ao lúc nào cũng đủ loại ếch lớn nhỏ, phù hợp với nhiều loại rắn lớn nhỏ.
Rắn có nguồn thức ăn ổn định nên đạt năng suất gấp 1.5 lần so với trước.
“Lúc trước mình đi soi đi rọi, mồi ngoài thiên nhiên, nên nuôi 1 năm con rắn đạt tối đa cũng chỉ 1,5 kg chứ không thể lên nữa, còn hiện nay nuôi từ 2kg trở lên.”- Ông Tư Hơi nói trong vui vẻ.
Không chỉ có nguồn thu từ rắn, Tư Lợi còn có thể xuất bán ếch để lấy tiền. Vì từ 10 ao ếch, mỗi ngày Tư Hơi xuất 20 kg ếch thịt, mà trong số đó, ông chỉ cần giành lại khoảng 2 kg ếch là đủ cho đàn rắn hàng trăm con.
Nhờ biết tính toán linh hoạt, từ một người nông dân nghèo khổ, Tư Hơi đã vươn lên làm giàu, trở thành tấm gương vượt khó tiêu biểu của nông dân Gò Dầu.
Thực hiện: Lê Phương
Ảnh: Quang Vũ