Nhận thấy việc xây dựng thương hiệu là vô cùng cấp thiết nhằm nâng cao giá bán, giúp người trồng chè ổn định cuộc sống, làm giàu, chị Hải đã đi vận động những hộ gia đình có tâm huyết với nghề để xây dựng HTX chè La Bằng. Với sự giúp đỡ của UBND xã, cuối cùng HTX chè La Bằng cũng ra đời với 13 xã viên. Chị Hải tâm sự: “HTX thành lập rồi, nhưng bắt đầu xây dựng thương hiệu từ đâu, như thế nào là một quá trình không hề đơn giản. Tôi được mọi người giao trọng tránh tìm đường cho chè La Bằng, đó vừa là vinh dự, song cũng khiến tôi đau đầu, mất ngủ vì suy tính. Tôi cho rằng, HTX không những cần chăm sóc chè tốt, thực hiện chế biến tại chỗ, đóng gói gắn mã vạch, địa chỉ cụ thể mà còn phải mạnh dạn tham gia vào các sự kiện xúc tiến thương mại”.
Chị đem suy nghĩ ấy bàn với các xã viên, mọi người đều thống nhất nhờ UBND hỗ trợ vốn để đưa chè La Bằng tham gia các hội chợ, lễ hội trà tại Thái Nguyên cũng như tại nhiều địa phương khác. Vì thế, dần dần người tiêu dùng đã quen thuộc với cái tên chè La Bằng. Chị Hải kể: “Một lần tham gia hội chợ tại Hà Nội, mấy người cao tuổi đến gặp tôi và bảo: Chúng tôi đã đi một vòng quanh hội chợ, gian hàng chè nào cũng tới nếm thử, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn phải quay lại với chè La Bằng vì chè rất thơm ngon, có hương vị đặc biệt”.
Thực tế là chè La Bằng đã được khẳng định qua các cuộc thi chất lượng chè ở huyện và tỉnh, trong đó có 2 năm liền xã đoạt giải nhất; đồng thời còn xuất hiện thường xuyên hơn tại các hội chợ, triển lãm, lễ hội trà... trong và ngoài tỉnh. Làm ăn có lãi nên đến nay, HTX đã đủ sức để tham gia gian hàng tại các hội chợ mà không phải “xin” kinh phí từ chính quyền địa phương nữa.
Hiện toàn HTX có gần 30ha chè, ngoài ra HTX còn tổ chức thu mua chè khô cho bà con trong xã, mỗi năm tiêu thụ khoảng 10% sản lượng. Chị Hải cho biết: “Điều đáng mừng là từ khi sản phẩm chè của xã viên được đóng gói, gắn thương hiệu thì giá bán đã tăng lên rất nhiều, từ 40.000 – 60.000 đồng/kg lên 100.000 – 170.000 đồng/kg, trừ chi phí bà con thu lãi khoảng 10.000 – 20.000 đồng/kg”.
HTX còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện, các ban ngành để giúp bà con được tham gia các lớp tập huấn IPM trên cây chè, từ đó làm ra những sản phẩm chè sạch, chè an toàn; được tập huấn kỹ thuật chế biến chè chất lượng cao. Hiện, chị Hải đã lập hồ sơ đăng ký thương hiệu Chè La Bằng với Cục Sở hữu trí tuệ để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm chè của HTX.
Không dừng lại ở đó, chị Hải còn có tham vọng xây dựng cho mình một con đường riêng. Chị bảo: “Đến nay, việc sản xuất và tiêu thụ của HTX đã ổn định, thị trường cũng ngày càng mở rộng, tôi nghĩ mình cần xây dựng một thương hiệu riêng cho sản phẩm chè của gia đình, mang tên Chè Thanh Hải. Các bước thành lập công ty tôi đã chuẩn bị xong. Đây là bước thử nghiệm mới của tôi. Nhiều người vẫn bảo tôi nhiều tham vọng quá, song tôi tin với sự quyết tâm cao, lòng yêu nghề của mình, cộng với những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng HTX chè La Bằng... thì thương hiệu Chè Thanh Hải sẽ sớm cạnh tranh tốt trên thị trường”.