Từ nhiều năm nay, cá bống bớp đã trở thành con nuôi chủ lực của vùng mặn lợ huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) với diện tích ngày càng được mở rộng, sản lượng tăng nhanh, hiệu quả kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Huyện Nghĩa Hưng đang tích cực xây dựng thương hiệu cho cá bống bớp.
Mở rộng diện tích nuôi cá bống bớp
Về Nghĩa Hưng lần nào chúng tôi cũng được nghe chuyện về nuôi cá bống bớp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí Khương Duy Thám, Phó trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: “Nghề nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng khởi phát từ xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng khoảng trước năm 1990. Tuy điều kiện tưới tiêu nước ở đây chưa được quy hoạch nhưng năng suất nuôi cá bống bớp đã đạt 5 - 6 tấn/ha…”. Thời điểm cách đây hơn 20 năm, xóm Chùa có hàng chục tàu đánh bắt thủy sản. Nguồn lợi nhiều, cá bống bớp đánh bắt được tuy là cá ngon nhưng nhiều hôm ế ẩm, giá thấp, người đánh bắt thả xuống ao để dành. Không ngờ con cá bống bớp trong ao lại lớn nhanh. Từ nuôi lưu để bán dần, người dân xóm Chùa đã khai thác tự nhiên, mua giống khai thác từ tự nhiên ở các huyện: Hải Hậu, Giao Thuỷ và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình… về nuôi. Từ năm 2000 trở lại đây khi con tôm sú “lên ngôi” nhưng ở xóm Chùa, con cá bống bớp vẫn chiếm ưu thế. Hộ ông Vĩnh có diện tích ao nuôi 8 sào trong những năm gần đây thu hoạch thường đạt 3 - 3,2 tấn cá bống bớp mỗi năm (10 - 11 tấn/ha). Hộ ông Lộc có 7 sào nuôi cá bống bớp, năm 2010 thu 2,5 tấn cá (10 tấn/ha). Hộ ông Ba có diện tích 1 mẫu, nhiều năm nay gia đình ông thu 2,7 - 2,8 tấn cá bống bớp (7,5 - 7,8 tấn/ha)… Hiện tại giá cá bống bớp đang bán tại đầm 250 - 300 nghìn đồng/kg, tùy theo kích cỡ to nhỏ, bình quân 1ha nuôi cá bống bớp ở xóm Chùa có nguồn thu 1,5 - 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí, thu nhập nuôi cá bống bớp đạt trên 1/3 tổng doanh thu. Như vậy, lãi suất bình quân nuôi cá bống bớp ở xóm Chùa đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/năm. Riêng với các hộ như ông Lộc, ông Vĩnh với năng suất trên 10 tấn thì lãi suất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm (!).
Kiểm tra mầm bệnh trên cá giống ở Trại giống thủy sản Nghĩa Hưng.
Từ xóm Chùa, xã Nghĩa Thắng, con cá bống bớp được người nuôi thủy sản vùng mặn lợ của Nghĩa Hưng đưa vào nuôi đại trà. Những năm 2002 - 2005, tôm sú được coi là con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao nhất vùng nuôi mặn lợ của tỉnh, nhưng diện tích nuôi con cá bống bớp ở Nghĩa Hưng vẫn được nhân rộng. Từ năm 2006 trở lại đây khi con tôm sú mẫn cảm với thời tiết, khí hậu và môi trường nuôi nên hiệu quả thấp thì con cá bống bớp ở vùng đồng đất này lại “lên ngôi”. Đặc biệt nuôi cá bống bớp thả xen tôm sú, cá bống bớp và con tôm sú đều lớn nhanh, không bị bệnh và hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Anh Nguyễn Văn Thiện, xã Nghĩa Hải cho biết: “Tôi thuê 3,5 ha mặt nước ở Đông Nam Điền từ năm 1993. Lúc đầu nuôi cua rèm, tôm sú… nhưng đầu năm 1998 tôi đưa con cá bống bớp vào nuôi và cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, ao nuôi cá bống bớp nếu thả xen tôm sú với mật độ vừa phải thì hiệu quả đạt cao nhất…”. Cá bống bớp phàm ăn, ít mắc bệnh còn tôm nuôi ghép lại là những “vệ sinh viên” dọn sạch những thức ăn thừa của cá bống bớp, tạo môi trường nước trong ao, đầm sạch hơn. Từ hiệu quả kinh tế mang lại nên diện tích nuôi cá bống bớp ở Nghĩa Hưng ngày càng được mở rộng. Năm 2010, diện tích nuôi cá bống bớp của toàn huyện là 242 ha, số hộ nuôi 264 hộ, tổng sản lượng đạt 680 tấn. Năm 2011, tuy diện tích và số hộ nuôi không tăng, nhưng do có kinh nghiệm nên khả năng sản lượng sẽ đạt trên 700 tấn, trị giá trên dưới 200 tỷ đồng. Đặc biệt sau khi quai đê lấn biển Cồn Xanh đã tạo ra vùng Tây Nam Điền rộng 800 ha với 525 ha đầm nuôi đang hình thành đã được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia kết hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh triển khai mô hình nuôi cá bống bớp rộng 1ha với mật độ 5 con/m2, thả giống tháng 5-2011 (có thả ghép thêm tôm sú) đến nay đã đạt 18 - 20 con/kg, dự kiến tháng 10-2011 cho thu hoạch, năng suất khoảng 3,5 tấn/ha. Hiện tại khu đầm nuôi cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng mỗi năm thả 2 lứa (thả tháng 5 thu tháng 10 và thả tháng 10 thu tháng 3 năm sau). Khu Tây Nam Điền nuôi cá bống bớp năng suất đạt không dưới 6 - 7 tấn/ha. Như vậy từ thực tế Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia khẳng định: Cả 525 ha khu Tây Nam Điền đều rất phù hợp nuôi cá bống bớp thương phẩm. Nếu được đưa thêm vào nuôi 525 ha và áp dụng cách nuôi thâm canh thì mỗi năm vùng nuôi cá bống bớp hàng hóa của huyện Nghĩa Hưng không dừng lại ở vài nghìn tấn mỗi năm.
Để xây dựng thương hiệu
Đồng chí Trần Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: “Huyện đã xác định cá bống bớp là con nuôi chủ lực của nghề nuôi thủy sản. Vừa mở rộng diện tích, vừa đưa nhanh vào nuôi thâm canh, đồng thời huyện cũng xúc tiến xây dựng thương hiệu cho con cá bống bớp Nghĩa Hưng…”. Hiện tại, diện tích nuôi cá bống bớp của huyện Nghĩa Hưng đạt 242 ha và sản lượng trên 700 tấn/năm nhưng chưa bao giờ đủ cung cấp cho thị trường. Trong những năm gần đây, 5 cơ sở thu mua cá bống bớp lớn ở Nghĩa Hưng cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội…, mỗi ngày hàng tấn cá thương phẩm. Ông Phạm Văn Độ, chủ một cơ sở thu mua tâm sự: “Với 27 điểm tiêu thụ từ Thanh Hóa trở ra, mỗi ngày cơ sở phải thu mua ít nhất là 3 tạ cá, ngày nhiều 7 - 8 tạ. Nếu vùng nuôi được mở rộng và người nuôi có vốn lớn thì vài nghìn tấn cá bống bớp thương phẩm mỗi năm của Nghĩa Hưng cũng chưa đáp ứng được thị trường…”. Một đặc biệt là tỉnh Nam Định có 3 vùng nuôi thủy sản mặn lợ nhưng duy nhất huyện Nghĩa Hưng nuôi thành công cá bống bớp. Các tỉnh ven biển phía Bắc từ Quảng Ninh đến các tỉnh miền Trung cũng chưa có vùng nuôi cá bống bớp(!). Vì vậy nguồn đặc sản cá bống bớp chỉ riêng có ở Nghĩa Hưng và giá lúc nào cũng ổn định từ 250 - 300 nghìn đồng/kg. Để mở rộng diện tích khu Tây Nam Điền với các hệ thống tưới tiêu nước thuận lợi là điều kiện lý tưởng để nhân rộng vùng nuôi cá bống bớp. Các vùng Đông Nam Điền, Rạng Đông, Nghĩa Thắng, Nghĩa Lợi… cần cải tạo ao, đầm và hệ thống thủy lợi để tổ chức nuôi thâm canh, tránh ô nhiễm môi trường. Khó khăn nhất hiện nay là vốn cho người nuôi. Với mật độ nuôi 4 con/m2 thì mỗi ha phải đầu tư 250 triệu đồng. Thực tế có hộ đã thả trên 10 con/m2 để đạt năng suất 10 - 11 tấn/ha thì số vốn đầu tư phải là tiền tỷ cho mỗi ha nuôi, nhưng hầu như chưa người nuôi nào tiếp cận được với các nguồn vốn vay ưu đãi. Điều người nuôi cá bống bớp của Nghĩa Hưng băn khoăn là khi mở rộng diện tích và nuôi tăng mật độ theo phương pháp thâm canh sẽ thiếu giống thả nuôi. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cửu ở Giao Xuân (Giao Thuỷ) khẳng định: “Nếu vùng nuôi cá bống bớp thiếu giống, cơ sở sản xuất giống Cửu Dung sẽ tổ chức cho cá bống bớp sinh sản để cung ứng”. Không chỉ có trại giống Cửu Dung sản xuất thành công với số lượng lớn giống cá bống bớp mà cả chục trại giống của huyện Giao Thuỷ cũng đã sản xuất thành công cá bống bớp nhân tạo như: Trung tâm giống hải sản Nam Định, Trại giống Liên Phong…
Nghĩa Hưng đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện: sản xuất với số lượng lớn, bền vững, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vùng nuôi, con nuôi… có phương pháp làm sạch và bảo quản tốt để xây dựng thương hiệu cho cá bống bớp. Được biết, đơn vị được huyện Nghĩa Hưng ủy quyền đang xúc tiến và trong thời gian không xa, thương hiệu cá bống bớp Nghĩa Hưng sẽ có mặt tại thị trường trong và ngoài nước.