00:00 Số lượt truy cập: 3070048

Tương lai của công nghệ sinh học 10 năm tới 

Được đăng : 03/11/2016
Thập kỷ tới sẽ chứng kiến sự phát triển tăng gấp đôi của công nghệ sinh học trong lĩnh vực cây trồng, các nước sẽ ít hoài nghi hơn và thấy được những lợi ích của công nghệ sinh học.

Năm ngoái đánh dấu 10 năm thương mại hóa các loại cây trồng trên toàn cầu. Phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh Thế giới về các loại cây ngũ cốc, Tổng giám đốc Cơ quan Ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) cho biết, vào năm 2015, ước tính số nước trồng cây công nghệ sinh học ít nhất sẽ tăng gấp đôi, từ 21 nước năm 2005 lên tới 40 nước. Dự báo số nông dân tiếp cận với công nghệ sinh học sẽ tăng từ 8,5 triệu lên đến 20 triệu người, trong khi diện tích trồng cây biến đổi gene trên toàn cầu tăng từ 222 triệu mẫu lên 500 triệu mẫu.

ISAAA là một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích thúc đẩy công nghệ sinh học ở các nước đang phát triển, sự quan tâm và chấp nhận công nghệ sinh học ngày càng tăng chứng tỏ những lợi ích về môi trường và kinh tế của công nghệ này. Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay chính là những động lực thúc đẩy cho công nghệ sinh học đang thay đổi hoàn toàn. Các nước đang chứng kiến những lợi ích mà công nghệ sinh học mang lại và tự hỏi tại sao chính họ lại không tận hưởng những lợi ích này.

Hầu hết những phát triển của công nghệ sinh học trong thập kỷ tới chắc chắn sẽ diễn ra ở các nước lớn đang phát triển ở châu Á mà dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam. Điều này cho thấy có sự mở rộng của thị trường công nghệ sinh học mà trong thập kỷ trước chỉ tập trung ở châu Mỹ. Braxin là nước có tiềm năng lớn trở thành “nhà sản xuất” cây trồng biến đổi gene hàng đầu ở Mỹ Latinh. Số lượng các nước công nghệ sinh học ở châu Phi sẽ tăng ít, đứng sau tình trạng độc quyền hiện nay là Nam Phi. Các nước thuộc Liên minh Châu Âu hoài nghi về công nghệ sinh học cũng sẽ tăng chậm.

Một trong những dấu hiệu cho thấy thế giới đang nóng lên bởi công nghệ sinh học chính là tỷ lệ quan tâm tới lĩnh vực này đang tăng lên đáng kể. ISAAA gửi 250.000 thư điện tử/tháng cho những người quan tâm và con số này đang tăng hơn 2.000 yêu cầu mỗi tháng. Trong một báo cáo năm mới nhất đưa số liệu về khoảng 500 triệu người tiếp cận với công nghệ sinh học qua các phương tiện truyền thông, khoảng 95% các bài báo xuất bản được đánh giá là tích cực hoặc trung lập, điều này cho thấy có sự chuyển dịch lớn về nhận thức so với hồi năm 1988 với khoảng 90% các bài báo mang tính tiêu cực khi đề cập đến công nghệ sinh học. Nhưng sự phát triển của công nghệ sinh học sẽ không thể diễn ra nếu thiếu các thử thách.

Khi mới bắt đầu, các nhà khoa học tự hỏi rủi ro là những gì? Còn hiện nay chúng ta có hẳn một cơ sở dữ liệu đầy đủ về cả tính chắc chắn và thuyết phục của công nghệ sinh học. Nhưng chúng ta cần phải bước tiếp với tinh thần trách nhiệm và cách quản lý phù hợp. Cần phải truyền thông hơn nữa cho cộng đồng và cần có những quyết định dựa trên sự hiểu biết liên quan đến cây trồng công nghệ sinh học. Các quy định quản lý cũng là vấn đề cần giải quyết, nhưng nên đơn giản hóa. Với các nước đang phát triển, thách thức này sẽ rất lớn. Nhưng với kiến thức vững chắc, chúng ta giảm bớt các quy tắc mà vẫn thể hiện tính trách nhiệm.

Xét đến sự phát triển của công nghiệp trong thập kỷ qua, công nghệ sinh học đã đem lại những hứa hẹn ban đầu. Đó là tăng năng suất và tăng thu nhập, có thời kỳ năng suất tăng 5-40%, tổng sản lượng cây trồng từ công nghệ sinh học năm 2005 đạt 50 tỷ đô la. Tác động khác của nông nghiệp từ cây trồng biến đổi gene là bảo vệ được giá trị đa dạng sinh học, do tăng gấp đôi sản lượng cây trồng trên cùng một diện tích, như vậy bảo tồn được các diện tích rừng. Tác động môi trường khác là giảm được nhu cầu nguyên liệu đầu vào như thuốc bảo vệ thực vật, bảo tồn đất và nước hướng tới sự phát triển bền vững.

Công nghệ sinh học còn góp phần ổn định năng suất mà tiến bộ nhất là tạo được khả năng chống hạn ở cây trồng. Và cuối cùng là những lợi ích xã hội, gồm giảm nghèo đói, cải thiện môi trường, sức khỏe và tạo ra nhiều loại thực phẩm hơn. Những gì hiện nay chúng ta nhìn thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, cách tiếp cận toàn cầu về công nghệ sinh học phải dựa vào thực tế và kiến thức chứ không phải mối lo về thị trường. Hãy thận trọng về những quyết định đưa ra và những hậu quả liên quan đến công nghệ sinh học. Ô nhiễm lớn nhất trên thế giới hiện nay là nghèo đói. Trong thập kỷ thứ hai tới, khả năng con người giải quyết vấn đề này đáng kể. Công nghệ sinh học sẽ làm vấn đề sáng tỏ hơn nếu xem xét trên quan điểm hòa bình. Và rủi ro lớn nhất chính là công nghệ sinh học không được sử dụng.